Tiếng chim trong phố

Ở nội đô Hà Nội bây giờ thèm nghe một tiếng chim cũng hiếm hoi, mặc dù cây cối trên các đường phố Hà Nội thì nhiều, tươi tốt. Cây nhiều mà chim ít là một nghịch lý nhưng sự thật này tồn tại là do môi trường bị ô nhiễm, khói thải của nhà máy, của ô tô, xe máy.
Tiếng chim trong phố

Ở nội đô Hà Nội bây giờ thèm nghe một tiếng chim cũng hiếm hoi, mặc dù cây cối trên các đường phố Hà Nội thì nhiều, tươi tốt. Cây nhiều mà chim ít là một nghịch lý nhưng sự thật này tồn tại là do môi trường bị ô nhiễm, khói thải của nhà máy, của ô tô, xe máy.

Sự bụi bặm và tiếng xe ô tô, xe máy đã làm cho lũ sâu ít còn nơi sống, mà sâu lại là nguồn thức ăn chính của chim. Thế nên không có cái ăn thì chim không về nhảy nhót trên các cành cây để vạch lá, tìm sâu. Mà ngay cả chim, loài vật thông minh, nhỏ bé cũng thích không khí trong lành, yên tĩnh nên sự đô thị hóa kèm theo với nạn ô nhiễm đã khiến chim cũng chẳng muốn ở lại cho dù đó chính là nơi nó đã sinh ra và lớn lên.

Minh họa: Diễm Khanh

Minh họa: Diễm Khanh

Tiếng chim hiếm hoi nhưng không phải đã ngưng hẳn, lâu lâu đi bộ trên vỉa hè các con phố có nhiều cây cổ thụ, bỗng lòng thấy xôn xao khi nghe thấy tiếng: “Chích, chích!”. Ngẩng mặt nhìn lên. Kìa một chú chim sẻ be bé, màu nâu đang nhảy từ cành này sang cành kia, nghiêng ngó cái đầu để tìm sâu. Trông chú kiếm ăn mới khó nhọc, cần mẫn làm sao, ấy vì là sâu quá hiếm nên chú tìm hoài, tìm mãi, nhiều khi kiếm vài chục cành cây mới bắt được con sâu bé tí. Ngày xưa, chú bỏ ít công sức mà vẫn bắt được nhiều sâu, còn ngày nay chú bỏ nhiều công sức lại bắt được ít sâu. Bắt được sâu rồi chưa chắc chú đã ăn mặc dù cái bụng chú cũng đang lép kẹp. Chú ngậm con sâu đó tha về tổ, mớm cho những đứa con bé bỏng của mình. Nhìn đứa con được ăn sâu, chú sung sướng, hạnh phúc nhưng nhìn những đứa còn lại chưa có sâu ăn, chú chạnh buồn rồi lại cất cánh bay đi tìm sâu cho những đứa con khác.

Cũng như người, chim không thích cô đơn nên đôi khi trên cây hay quanh các gốc cây, thảm cỏ, ta bắt gặp hai hay năm, sáu con chim nhảy nhót bên nhau, chúng trò chuyện, hỏi han về cuộc sống của nhau, và rất có thể trong số ấy cũng có đôi đang tỏ tình với nhau. Chúng không thề thốt như người rằng: “Anh sẽ mãi mãi yêu em, thủy chung với em!” nhưng chúng thương yêu nhau, có trách nhiệm với nhau và cũng dồn tất cả tình thương và sự hy sinh cho con cái.

Chim rất thông minh, khi mà trên cây không có sâu để bắt thì những con chim hay bay đến những cái cây hay mái nhà, mái hiên, bờ tường của những ngôi nhà ngay sát quán ăn, để khi vắng người, chúng bay xuống đất nhặt nhạnh thức ăn rơi vãi.

Chim là người bạn thân thiết của con người, ngoài việc chim bắt sâu bảo vệ mùa màng, cây cối thì chính tiếng hót của chim sẽ làm cho con người thêm cảm xúc trong cuộc sống. Trong nhịp sống còn nhiều khó khăn và áp lực này, được nghe tiếng chim hót, lòng thấy thư thái xiết bao. Có lẽ vì thế mà nhiều người ở Hà Nội đã nuôi chim trong lồng, thậm chí ở góc hồ Ha Le - ngã tư phố Trần Bình Trọng và Nguyễn Du có quán cà phê mà ở đó khách đến uống cà phê mang theo cả lồng chim đến để chúng đua nhau tấu lên bản tình ca của chúng:

– Chích, chích!

– Cúc cù cu!

– Chéc, chéc!

Nhà văn Vũ Đảm

Tin cùng chuyên mục