"Từ lâu tôi đã có ý định tập hợp các bài báo viết về những người thật, việc thật mà tôi đã gặp trong mấy chục năm làm báo để in thành một tập sách dành cho bạn đọc và những người tôi yêu quý. Đó như là một sự tri ân của tôi đối với tất cả những người anh, người chị, người bạn - những người có mặt trong các bài báo của mình, những người tôi cảm thấy có lỗi nếu như chưa viết hoặc không viết được về họ. Đó hầu hết là những người tôi rất kính trọng, tự bản thân cuộc đời của họ đã như một tấm gương mà ai soi vào đó cũng có thể thấy được một phần đời của mình, cũng có thể đồng cảm, chia sẻ và cả học được một điều gì đó từ những con người này. Mỗi người là một số phận và mỗi số phận của từng người đều như biết nói, đều có nỗi niềm riêng, chẳng ai giống ai.
Trong cuốn sách này, bạn đọc có thể gặp hình ảnh và cuộc đời của một số đồng chí lãnh đạo cao cấp, các anh hùng, liệt sĩ, nhà văn, nhà báo, có người nổi tiếng và có cả những con người rất đỗi bình thường nhưng rất đáng kính trọng, như ông Tạ Văn Sình, “người của CIA” nhưng lại là người có công với cách mạng mà tôi đã gặp trong đời. Cũng trong cuốn sách này, tôi dành một phần để trân trọng giới thiệu bài viết tổng hợp lại các bài tôi đã viết xung quanh câu chuyện về tấm gương của bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm và sự trở về như huyền thoại cuốn Nhật ký của chị sau 35 năm lưu lạc trên đất Mỹ. Tôi cũng muốn đem đến cho bạn đọc những câu chuyện và việc làm rất có ý nghĩa của Fred - người cựu binh Mỹ đã trao lại Nhật ký Đặng Thùy Trâm cho gia đình, cùng anh trai mình, cũng là một cựu binh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam đối với gia đình liệt sĩ và đối với Việt Nam”.
Đó là lời tâm sự của nhà thơ - nhà báo Dương Đức Quảng (nguyên Vụ trưởng Vụ Thông tin báo chí Văn phòng Chính phủ) khi ông cho ra mắt tập: Tiếng tụng kinh trong nhà vị tướng, bao gồm 560 trang khổ 16x24, dày dặn về nội dung, đẹp về hình thức, cầm trên tay ai cũng phải thốt lên là hoành tráng, đồ sộ.
“Viết về những người tốt, những người tôi kính trọng và quý mến, tôi không thể không viết về cha tôi và về một người chị của tôi, những người cũng có số phận ám ảnh trong tôi như biết bao người tốt tôi đã gặp trong cuộc đời này. Có khác chăng đó là những người ruột thịt của tôi mà tôi biết ơn suốt cả cuộc đời không chỉ vì có những kỷ niệm sâu sắc và gắn bó mà nếu không là con, là em thì tôi không thể nào viết ra được” - ông đã nói thêm về tập sách của mình.
Nói về tập sách này, nhà báo Hữu Thọ, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, ghi nhận: “Sách của Dương Đức Quảng viết về những con người hiện lên những nét đáng yêu để yêu thêm con người, dù cho họ là người lãnh đạo đương chức hay đã nghỉ hưu, khi là những cán bộ bình thường với những số phận khác nhau không phải ai cũng suôn sẻ trên đường đời. Với những người làm báo thì có thể thấy thêm những bài học về nghề nghiệp của một nhà báo có tấm lòng yêu người, yêu nghề, có nghề và luôn giữ nguyên tắc về nghề…”.
TRƯƠNG PHƯƠNG HUY