Tiếng vọng từ rừng xanh

Giải thưởng Văn học Kim Đồng được phát động vào năm 2023. Vừa qua, NXB Kim Đồng ra mắt 3 tác phẩm đầu tiên tham dự giải thưởng, gồm: Quà Tết của rừng xanh, Cánh diều hình nốt nhạc Mùa động rừng. Điều thú vị là cả 3 tác phẩm đều được viết bởi những nhà văn nổi tiếng và cùng viết về rừng xanh.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc

1.

Viết song song cho cả người lớn và thiếu nhi là lựa chọn của nhà văn Nguyễn Hồng Chiến từ nhiều năm nay. Bắt đầu từ năm 2003, ông lần lượt cho ra mắt các tác phẩm dành cho thiếu nhi, gồm: Zàng phạt, Bí mật của H’Loan, Sóc vàng và núi Thần Cọp, Chuồn chuồn ớt tìm mẹ.

Gần đây, ông liên tiếp nhận được tin vui khi tác phẩm Chuồn chuồn ớt tìm mẹ đoạt giải khuyến khích Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 6 năm 2023 và giải B Giải thưởng văn học nghệ thuật năm 2023 của Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam; bản thảo Ai giàu nhất đoạt giải khuyến khích Giải thưởng cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi đợt 1 năm 2021-2023.

s6a-4287-4633.jpg
Nhà văn Niê Thanh Mai giao lưu với bạn đọc nhân dịp ra mắt tác phẩm “Cánh diều hình nốt nhạc”

Tập truyện ngắn Quà Tết của rừng xanh là tác phẩm đầu tiên được chọn in từ Giải thưởng Văn học Kim Đồng. Với 14 truyện ngắn: Rừng đêm, Gà rừng, Chuyện thầy Y Đhăng, Lần đầu đi săn, Voi H’Jét… nhà văn Nguyễn Hồng Chiến đưa bạn đọc khám phá những cánh rừng Tây Nguyên đầy bí ẩn và không kém những điều thú vị, bất ngờ. Đan xen giữa khung cảnh rừng xanh đầy lãng mạn với rất nhiều tiếng chim ca, những bông mai vàng, hương vị ngày tết, là những chuyến đi rừng đầy gay cấn khi gặp hổ, cáo và kẻ gian.

2.

Trong giới văn chương, Sương Nguyệt Minh là một cái tên khá quen thuộc. Đến nay, ông đã có khoảng 20 tác phẩm thuộc nhiều thể loại: truyện ngắn, tiểu thuyết, bút ký. Mùa động rừng là tác phẩm đầu tiên dành cho thiếu nhi của ông, được ấp ủ hơn 20 năm.

Đã từng có những tên tuổi thành danh trong mảng đề tài về rừng như Vũ Hùng, Nguyễn Quỳnh. Có lẽ sau này bạn đọc sẽ nhớ thêm cái tên Sương Nguyệt Minh qua tác phẩm Mùa động rừng.

Thông qua lời kể của Cún Vàng, bạn đọc được chứng kiến những cuộc phiêu lưu, tranh tài đầy ly kỳ và hấp dẫn giữa núi rừng Tam Điệp nguyên sơ. Dưới sự nuôi dưỡng và thuần thục của con người, Cún Vàng đã trở thành một Thợ Săn tài ba. Nhưng ngoài Cún Vàng còn có những sinh vật khác như Gấu Đen, Trăn Gió, Sói Trắng, Sói Đỏ… và cả những tay thợ săn lão luyện. Tác phẩm dày hơn 250 trang, gồm 20 chương mà mỗi chương là một bất ngờ, thú vị với những cuộc đụng độ giữa các loài, và cả cuộc trả thù từ muôn loài đối với con người.

Không chỉ mang đến cho bạn đọc những câu chuyện hấp dẫn nơi chốn rừng xanh, Mùa động rừng còn đặt ra nhiều vấn đề đáng suy ngẫm trong mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên. “Ăn của rừng rưng rưng nước mắt” như một lời cảnh báo từ lâu, và nay, với Mùa động rừng, nhà văn Sương Nguyệt Minh góp thêm một hồi chuông cảnh báo trước tình trạng tận diệt thiên nhiên một cách vô tội vạ, chỉ biết cái lợi trước mắt mà không nghĩ đến hậu quả lâu dài.

Giải thưởng Văn học Kim Đồng lần thứ nhất kéo dài đến hết ngày 31-3-2025, dành cho các tác giả chuyên nghiệp và không chuyên là công dân Việt Nam đang sinh sống, làm việc, học tập trong và ngoài nước.

Giải thưởng gồm 3 thể loại: Truyện dài, Truyện ngắn, Thơ, với tổng trị giá giải thưởng lên đến 360 triệu đồng. Bản thảo gửi về địa chỉ email: giaithuongkimdong@nxbkimdong.com.vn; hoặc qua đường bưu điện theo địa chỉ: Nhà Xuất bản Kim Đồng, 55 Quang Trung, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Ngoài bì thư ghi rõ: Tham gia Giải thưởng Văn học Kim Đồng.

3.

Giống trường hợp của Sương Nguyệt Minh, nhà văn Niê Thanh Mai (hiện là Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk) cũng được biết đến là nhà văn của người lớn với các tác phẩm: Suối của rừng, Về bên kia núi, Ngày mai sáng rỡ, Phía nào sương thôi rơi. Lần chạm ngõ đầu tiên văn học thiếu nhi của chị được khởi phát từ Giải thưởng Văn học Kim Đồng qua truyện dài Cánh diều hình nốt nhạc.

Nhân vật chính của tác phẩm là cậu bé Đèn Pha (tên thật là Minh Tuân). Đèn Pha 9 tuổi, đang sống cùng ông bà, bố mẹ và cô em gái “mít ướt” tên Mì. Cậu có thêm những người bạn, cũng là ba anh em Một Chấm. Như rất nhiều cô bé cậu bé khác, Đèn Pha đang được sống trong tình thương yêu của gia đình, tham gia những trò chơi ngộ nghĩnh cùng bạn bè. Nhưng khác với chúng bạn, Đèn Pha có ba là bộ đội ở đồn biên phòng.

Nghỉ hè, Đèn Pha được ba cho vào thăm đồn biên phòng Vững Vàng. Chính ở đây, Đèn Pha đã có những ngày hè khám phá rừng xanh với muôn vàn câu chuyện thú vị, được trải qua những ngày như một chiến sĩ thực thụ. Không dừng lại ở đó, cậu có thêm người bạn đặc biệt là Y Tuân. Từ chốn rừng xanh của miền cao nguyên, trái tim trong sáng của cậu bé 9 tuổi không ngừng được đắp bồi và mở rộng bởi những câu chuyện nhỏ xinh. Lòng trắc ẩn cũng được hình thành và tỏa sáng từ đó.

Tin cùng chuyên mục