Tiếp sức những mảnh đời không lành lặn

Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi (BTNKT-TMC) TPHCM vừa trao gần 400 học bổng năm học 2014 - 2015 giúp học sinh, sinh viên khuyết tật, mồ côi, con em người khuyết tật, trong niềm vui mừng của học sinh và gia đình. Nhiều em được cha mẹ đưa đến bởi không thể tự đi trên đôi chân mình. Buổi lễ thêm phần xúc động khi có mặt những ông bố, bà mẹ với cánh tay bị mất, đôi chân khập khiễng, khoát trên mình chiếc áo đã sờn vai…
Tiếp sức những mảnh đời không lành lặn

Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi (BTNKT-TMC) TPHCM vừa trao gần 400 học bổng năm học 2014 - 2015 giúp học sinh, sinh viên khuyết tật, mồ côi, con em người khuyết tật, trong niềm vui mừng của học sinh và gia đình. Nhiều em được cha mẹ đưa đến bởi không thể tự đi trên đôi chân mình. Buổi lễ thêm phần xúc động khi có mặt những ông bố, bà mẹ với cánh tay bị mất, đôi chân khập khiễng, khoát trên mình chiếc áo đã sờn vai…

Bà Nguyễn Thị Mẫn, Phó Chủ tịch thường trực Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi TPHCM trao học bổng cho học sinh.

Rộng hơn cánh cổng tương lai

Cả khán phòng lặng đi khi nghe những lời phát biểu của em Hồ Thùy Trang (học sinh lớp 7, Trường THCS Đông Thạnh huyện Hóc Môn), khi ba em còn sống, cực khổ chạy xe ba gác nhưng vẫn lo cả nhà cơm no, áo ấm và 2 anh em Trang được cắp sách đến trường. Thế nhưng, từ khi ba em đột ngột qua đời vì tai nạn, mẹ phải gánh nặng mọi việc cơm áo gạo tiền trong gia đình. Mẹ Trang cặm cụi từ sáng sớm, có hôm đến tận nửa đêm, may gia công tại nhà. Vất vả là thế, nhưng bà không hề than thở cho đến khi đổ bệnh. Vì muốn chia sẻ gánh nặng cùng mẹ, anh Trang quyết định nghỉ học để đi làm phụ mẹ lo cho Trang an tâm học hành đến nơi đến chốn. Thương mẹ, thương anh nên Trang cố gắng học tốt và suốt 6 năm liền đạt học sinh giỏi cùng nhiều danh hiệu khác. Trang xúc động: “Nhiều lần em muốn nghỉ học, nhưng chính tiếng lạch cạch của chiếc máy may cũ đến tận khuya của mẹ và những giọt mồ hôi của anh là động lực giúp em tiếp tục phấn đấu học tập. Học bổng của Hội chính là món quà ý nghĩa và thiết thực. Chính các cô, các bác đã giúp tạo thêm cơ hội đến trường và mở cánh cổng tương lai cho em và các bạn”.

May mắn hơn Trang, nhưng cha em Võ Thành Nam (sinh viên năm 2 Trường Đại học Công nghệ TPHCM, nhà ở quận Bình Tân) lại bị tật đôi chân do có khối u trong tủy, đi lại khó khăn nên không thể đi làm. Suốt từ khi Nam học lớp 2 đến nay, hàng ngày mẹ Nam đẩy xe đi khắp nơi thu mua ve chai để nuôi sống gia đình. Dù đói ăn nhưng ba mẹ Nam quyết không cho con đói chữ. Chính quyết tâm của mẹ đã dập tắt suy nghĩ sẽ nghỉ học để lo cho gia đình của Nam. Hiểu sự vất vả của mẹ nên từ nhỏ đến giờ chưa một lần Nam xin tiền mẹ ăn quà bánh khi đi học. Bữa sáng của em khi thì cơm nguội hâm lại, khi là gói xôi mẹ mua cho ở đầu hẻm. Không biết bao nhiêu lần Nam từ chối đi ăn cùng bạn bè vì nghĩ đến những giọt mồ hôi ướt đẫm trên tấm lưng gầy của mẹ. Biết hoàn cảnh gia đình Nam, lại thấy em có ý chí học tập, các cô chú ở địa phương đã làm đề xuất để em được nhận học bổng của Hội. Nam tâm sự: “Em đã được lãnh học bổng liên tiếp 6 năm. Nhờ đó giúp mẹ phần nào giảm bớt gánh nặng tiền học phí và mua đồ dùng học tập. Sự quan tâm đúng lúc của Hội đã giúp em có thêm niềm tin vào tương lai phía trước”.

Để cuộc đời ngày mai sẽ khác…

 

* Hiểu được sự vất vả, khó khăn của các gia đình có người thân khuyết tật, trẻ mồ côi, suốt 8 năm qua Hội BTNKT-TMC TPHCM cùng các đơn vị tài trợ như Tập đoàn Vina Capital, Hội Cứu trợ bệnh nhân phong Hà Lan cùng các nhà hảo tâm đã trao học bổng giúp hơn 3.200 lượt học sinh, sinh viên nghèo, mồ côi… vượt khó hiếu học với trên 2,3 tỷ đồng. Đến nay đã có hơn 60 em tốt nghiệp PTTH, đại học và nhiều em ra trường đã có việc làm ổn định.

 

Tiêu chí để được xét trao học bổng của hội là học sinh, sinh viên khuyết tật, mồ côi, con người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn nhưng có ý chí phấn đấu trong học tập. Bà Nguyễn Thị Mẫn, Phó Chủ tịch thường trực Hội BTNKT-TMC TPHCM cho biết: “Qua 8 năm thực hiện, chương trình đã đạt được những hiệu quả thiết thực. Những em được xét trao học bổng năm trước đều cố gắng đạt thành tích học tập tốt để tiếp tục nhận học bổng vào những năm sau. Chúng tôi chỉ mong rằng với món quà nhỏ này, các em có cơ hội học tập để cuộc sống trong tương lai tốt đẹp hơn”.

Em Trần Trọng Nhân (học sinh lớp 10, ở quận Gò Vấp) bảo rất biết ơn các cô, bác trong Hội đã giúp em có thêm điều kiện đến trường suốt 4 năm qua. Cha đã bỏ đi khi Nhân vừa lọt lòng. Với đôi chân bị tật, mẹ em đã miệt mài thâu đêm may vá kiếm tiền lo cho Nhân đến trường. “Con thương mẹ và biết xung quanh còn nhiều người giúp mình, nên sẽ cố gắng học tốt để trở thành người có ích cho xã hội” - Nhân chia sẻ.

Không chỉ trao học bổng cho trẻ khuyết tật tại TPHCM, Long An, Bến Tre, Hội còn tổ chức các chương trình dạy nghề, trợ cấp xe lăn, dụng cụ chỉnh hình, phẫu thuật chỉnh hình cho các em khuyết tật, xây nhà tình thương và trợ cấp đặc biệt cho trẻ mồ côi, giúp vốn phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn tự tạo việc làm có thu nhập, người bệnh nan y…

THÁI PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục