Theo đó, giá bán hàng bình ổn do các doanh nghiệp tự xây dựng và kê khai giá bán tại Sở Tài chính TPHCM theo nguyên tắc xác định đầy đủ, chính xác cơ cấu tính giá theo các yếu tố cấu thành giá và phải thấp hơn giá thị trường của sản phẩm cùng quy cách, chủng loại, chất lượng tại thời điểm kê khai giá, ít nhất từ 5% - 15%. Trong trường hợp giá nguyên vật liệu, chi phí đầu vào biến động từ 5% - 10% so với thời điểm đơn vị kê khai giá bán liền trước, doanh nghiệp sẽ kê khai lại giá bán để được điều chỉnh. Trường hợp thị trường giảm giá chưa đến 5%, doanh nghiệp chủ động thực hiện các chương trình khuyến mãi phù hợp với tình hình thực tế.
Bên cạnh đó, hàng hóa trong chương trình phải đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Lượng hàng hóa có khả năng cân đối cung - cầu, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng cho người dân thành phố trong trường hợp có xảy ra biến động hàng hóa và phải được phân phối rộng khắp đến người tiêu dùng, nhất là người dân tại các huyện ngoại thành, công nhân lao động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp...
Chương trình có 90 đơn vị tham gia, gồm 78 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và 12 tổ chức tín dụng (tăng 3 đơn vị so năm 2017). Các mặt hàng tham gia chương trình bình ổn phong phú, đa dạng, sản lượng hàng hóa của từng nhóm mặt hàng chiếm khoảng 25% - 40% nhu cầu thị trường và tăng bình quân 15% - 35% so với kết quả thực hiện năm 2017. Được biết, hệ thống Co.opmart sẽ là đơn vị chủ lực triển khai thực hiện chương trình bình ổn giá của TPHCM.