
Trong những ngày này, vấn đề thời sự nhất đối với các doanh nghiệp là tình trạng thiếu điện và chuẩn bị đối phó với việc cúp điện luân phiên. Theo dự báo của ngành chức năng, tình trạng thiếu điện có thể sẽ còn kéo dài trong vài năm tới do nguồn cung chưa đủ. Tuy tình hình cung ứng điện cho khu vực phía Nam chưa có dấu hiệu căng thẳng như khu vực phía Bắc, thế nhưng việc đưa điện từ phía Nam ra cung ứng cho phía Bắc có thể giảm nguồn, gây trình trạng cúp điện cục bộ tại khu vực TPHCM. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố phải bàn tính biện pháp ứng phó.

Thực hiện tiết giảm năng lượng, Công ty Nhựa Sài Gòn đã hạ được giá thành sản phẩm.
Tuy nhiên, không phải đến bây giờ các doanh nghiệp mới tính đến bài toán tiết kiệm điện. Từ năm ngoái, khi mà giá nguyên phụ liệu của phần lớn các ngành sản xuất tăng mạnh, việc tăng giá điện được nhiều lần cân nhắc đã khiến các doanh nghiệp biết nhìn xa trông rộng phải tiến hành cải tổ lại sản xuất, tiết kiệm triệt để chi phí sản xuất trong đó có điện, chất đốt…
Nhiều doanh nghiệp đã đạt được hiệu quả kinh tế, tiết kiệm được chi phí trong giá thành, tăng khả năng cạnh tranh. ông Phan Văn Thanh, Giám đốc Công ty Cổ phần nhựa Sài Gòn cho biết, vừa qua công ty đã triển khai thực hiện chương trình tiết kiệm năng lượng, với sự giúp đỡ của Sở Khoa học-Công nghệ TPHCM.
Chương trình này thật sự mang lại hiệu quả trong kinh doanh, góp phần giảm giá thành sản phẩm và càng có ý nghĩa hơn trong điều kiện thiếu điện như hiện nay. Theo ông Thanh, đối với doanh nghiệp nhựa thì khâu gia nhiệt hạt nhựa trong máy ép nhựa chiếm 50% công suất sử dụng điện.
Vì vậy, chương trình đã thực hiện các giải pháp kỹ thuật để tiết kiệm điện trong khâu này. Ngoài ra, việc tổ chức hợp lý hóa qui trình sản xuất đã giảm bớt một số công đoạn nên cũng giảm được lượng điện cần dùng. Đồng thời, công ty cũng thực hiện các biện pháp kỹ thuật để giảm điện năng trong hệ thống chuyển động. Và kết quả đã giảm 0,2-0,3 kWh/sản phẩm...
Trong khi đó, phần lớn các doanh nghiệp dệt may thì tính toán phương án tránh sản xuất vào giờ cao điểm, không chỉ để giúp giảm tải vào những giờ này mà còn hạn chế chi phí để giảm giá thành sản phẩm. Các doanh nghiệp đã phổ biến đến từng công nhân, từng tổ sản xuất tinh thần tiết kiệm điện, từ bóng đèn, quạt, hệ thống thông gió… để giảm chi phí giá thành. Bên cạnh đó, ngành dệt còn thực hiện nhiều biện pháp giảm chi phí năng lượng khác. Các doanh nghiệp Dệt Phước Long, Phong Phú, Việt Thắng… đã cải tạo hệ thống sấy từ sử dụng đốt dầu sang đốt bằng than. Riêng Dệt Phong Phú, cách đây hơn một năm đã thực hiện tiết kiệm triệt để trong việc sử dụng năng lượng mang lại hiệu quả cao, được nhiều doanh nghiệp trong ngành học tập.
Trước yêu cầu tiết kiệm hơn nữa trong sử dụng điện, nhiều doanh nghiệp cho rằng, cần phải tiếp tục thực hiện các biện pháp tuyên truyền để nâng cao ý thức tiết kiệm trong từng cán bộ, công nhân viên, tạo thói quen cho người lao động khi đi ra khỏi phòng là tắt đèn, quạt hay máy lạnh, không để máy chạy không tải, không sử dụng điện trong những trường hợp không cần thiết. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, trong những trường hợp điện quá thiếu thì dùng máy phát dự phòng để phục vụ sản xuất. Đó cũng là thái độ chia sẻ của doanh nghiệp đối với ngành điện trước tình trạng thiếu điện trầm trọng như hiện nay.
VĂN MINH HOA