Tìm chiến lược phát triển quận 7

TPHCM đang trình xin cơ chế đặc thù cho Thành phố thì quận 7 phải đặt mình trong tâm thế đặc thù của đặc thù, để từ đó có cơ chế thu hút tài chính, nguồn lực xây dựng và phát triển quận, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi gợi mở.  

Sáng 28-6, Quận ủy quận 7 phối hợp cùng Học viện Cán bộ TPHCM tổ chức hội thảo khoa học "Chiến lược phát triển quận 7 đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045". 

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên và Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải gửi hoa chúc mừng hội thảo.

Các đồng chí: Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; PGS.TS Nguyễn Tấn Phát, Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM; Võ Khắc Thái, Bí thư Quận ủy quận 7; Trần Chí Dũng, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy quận 7; Hoàng Minh Tuấn Anh, Chủ tịch UBND quận 7, chủ trì hội thảo.

Phát triển quận với định vị rộng hơn 

Phát biểu định hướng tại hội thảo, Chủ tịch UBND Phan Văn Mãi đánh giá cao sự năng động, sáng tạo của Quận ủy quận 7 khi đã chủ động phối hợp với Học viện Cán bộ TPHCM chuẩn bị và tổ chức hội thảo để ghi nhận các ý kiến phân tích, đánh giá hiến kế cho sự phát triển của quận. Đồng chí khẳng định, kết quả của hội thảo sẽ là thu hoạch rất lớn không chỉ cho quận 7 mà cho cả Thành phố, nhất là khi TPHCM đang rà soát, cập nhật lại quy hoạch chung và xây dựng quy hoạch kinh tế - xã hội.

Tìm chiến lược phát triển quận 7 ảnh 1 Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu định hướng tại hội thảo. Ảnh: THU HƯỜNG
Theo đồng chí Phan Văn Mãi, nếu chỉ định vị quận 7 trong khu Nam của TPHCM và trong TPHCM là chưa đủ, bởi ngoài vị trí là cửa ngõ phía Nam của Thành phố theo trục kết nối Đông - Tây, quận còn có vị trí là trục ven biển. Như vậy, quận 7 có thuận lợi cả về đường bộ và đường thủy. Đồng chí Phan Văn Mãi nhận xét, nếu chiến lược phát triển ra biển tốt, quận 7 sẽ là nơi tiếp cận và khai thác lợi thế mặt tiền biển rất hiệu quả. Từ đó, đồng chí yêu cầu các đại biểu tập trung phân tích sâu, ở đó quận 7 được định vị rộng hơn, không chỉ là với khu Nam và TPHCM.

Nhắc đến mục tiêu phát triển TPHCM thành trung tâm giao thương quốc tế, là điểm đến hấp dẫn của thế giới và đến năm 2030 là Thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, văn hoá, đầu tàu kinh tế số, xã hội số, là trung tâm kinh tế tài chính, thương mại, văn hóa, đồng chí Phan Văn Mãi yêu cầu quận 7 phải phát triển theo định hướng trên; đồng thời phải xác định được mình ở đâu trong trung tâm giao thương quốc tế, sẽ chiếm bao nhiêu thị phần của điểm đến hấp dẫn này. 

Tìm chiến lược phát triển quận 7 ảnh 2 Quang cảnh hội thảo. Ảnh: THU HƯỜNG

Với sứ mệnh đó, đồng chí Phan Văn Mãi lưu ý quận 7 phải nhanh chóng cụ thể hoá mục tiêu là trung tâm dịch vụ thương mại; tập trung phát triển du lịch trên cơ sở khai thác các lợi thế, nhất là lợi thế sông nước để phát triển du lịch giải trí, trung tâm về y tế, giáo dục, văn hoá, thể dục thể thao. 

Trước mắt, đồng chí yêu cầu quận 7 tiếp thu, chọn lọc các ý kiến để cập nhật vào quy hoạch chung và quy hoạch kinh tế - xã hội của TPHCM. Đồng thời, cần tập trung đầu tư hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội cho quận, cho khu Nam trong vai trò và sự kết nối rộng. 

Dù vậy, đồng chí Phan Văn Mãi nhận định, với định hướng như vậy mà chỉ trông vào ngân sách thì không khả thi; và gợi mở TPHCM đang trình xin cơ chế đặc thù cho Thành phố thì quận 7 phải đặt mình trong tâm thế đặc thù của đặc thù, để từ đó có cơ chế thu hút tài chính, nguồn lực xây dựng và phát triển quận. 

Cùng với đó, xây dựng đội ngũ chuyên nghiệp, đủ sức cụ thể hoá các định hướng. Ở đó, ngoài đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị, đồng chí cho rằng việc xây dựng cộng đồng dân cư đa quốc gia, tạo không gian đa văn hoá và tích hợp nó thành động lực tích cực nhất để cùng phát triển quận 7 là hướng đi cần thiết. Đồng thời tập trung xây dựng chính quyền đô thị, chính quyền điện tử, chính quyền số để quản trị với quy mô lớn hơn nhưng thông suốt, hiệu quả.

Công tác quy hoạch là cốt lõi

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận nhiều vấn đề nội tại và định hướng phát triển quận 7. Nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo nhận xét, nền công nghiệp của quận 7 phát triển sớm nhưng hiện đã lạc hậu, trong khi hạ tầng giao thông chưa đáp ứng, nhất là giao thông kết nối.
Bà Phạm Phương Thảo cho rằng, để phát triển quận 7, vấn đề cốt lõi là quận phải làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch. Trong đó, thực hiện chỉnh trang đô thị từ mô hình Khu đô thị Phú Mỹ Hưng; đồng thời coi trọng việc giữ gìn cảnh quan, môi trường, giữ hành lang sông Sài Gòn và kênh rạch. Đặc biệt, quận 7 cần quan tâm đến giao thông kết nối với các quận xung quanh; xem xét chuyển dịch mô hình sản xuất kinh tế, có thể nghiên cứu chuyển dịch Khu chế xuất (KCX) Tân Thuận theo hướng công nghiệp công nghệ cao hoặc dịch vụ cao cấp.
Tìm chiến lược phát triển quận 7 ảnh 3 Nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo phát biểu tại hội thảo

Cũng có ý kiến về KCX Tân Thuận, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua cho rằng, cần nghiên cứu điều chỉnh chức năng KCX Tân Thuận sang khu dịch vụ giáo dục, y tế, văn hóa, văn phòng làm việc, khách sạn, thương mại chất lượng cao, làm "hậu cần" cho Trung tâm Tài chính quốc tế Thủ Thiêm.

Theo ông Nguyễn Văn Đua, việc này nếu làm đồng bộ với điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đang được tiến hành thì rất thuận lợi, khả thi.

Tìm chiến lược phát triển quận 7 ảnh 4 Nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua nêu ý kiến tại hội thảo

Ở góc độ khác, TS Trương Minh Huy Vũ đánh giá quận 7 đã có những bước phát triển ấn tượng trong 25 năm qua và hội tụ đủ các điều kiện cần để phát triển thành một đô thị thương mại - dịch vụ với trọng tâm là các ngành y tế - giáo dục chất lượng cao, song quận đang bị giới hạn về không gian phát triển do thiếu quỹ đất và các kế hoạch chuyển đổi chức năng các khu đất chưa khai thác hiệu quả sẽ tốn nhiều thời gian và nguồn lực. TS Trương Minh Huy Vũ nhận định, không gian phát triển phù hợp nhất cho quận 7 là kết hợp cùng huyện Nhà Bè.  

TS Trương Minh Huy Vũ phân tích, mối liên kết của quận 7 và Nhà Bè không chỉ và không nên gói gọn trong địa giới hành chính của hai địa phương này mà dễ dàng nhận ra dư địa của không gian phát triển cả về mặt nền tảng văn hoá - lịch sử trong quá khứ. Cùng với đó là quỹ đất, nếu được bố trí, mở rộng hơn cho quận 7 đồng nghĩa với việc đa dạng hoá kinh tế, có thêm các lựa chọn để phát triển. Và Nhà Bè cũng sẽ nhận được các lợi ích lan tỏa trong quá trình đó.

Cạnh đó, ngoài cụm cảng sông, cảng biển, KCN thì tích hợp quỹ đất ven sông của Nhà Bè, nơi còn giữ lại được những mảng xanh tương đối lớn để đầu tư phát triển thành các mũi nhọn y tế - giáo dục đạt chất lượng cạnh tranh quốc tế.

Theo TS Trương Minh Huy Vũ, trên không gian phát triển đã định hình đó, mô hình đô thị thông minh sinh thái quận 7 - Nhà Bè sẽ được định hình trên lõi phát triển Phú Mỹ Hưng – trung tâm của ba đô thị vệ tinh. Cụ thể là đô thị y tế - giáo dục sinh thái ven sông; đô thị thương mại – dịch vụ thông minh và đô thị sản xuất – cảng biển thông minh. Song song với phát triển mô hình đô thị vệ tinh thì các trục động lực cũng sẽ được xây dựng để thúc đẩy phát triển, gồm trục đường sông Soài Rạp – rạch Bến Nghé; hành lang sản xuất KCX Tân Thuận – KCN Hiệp Phước – Cảng Hiệp Phước, và hành lang trên bộ kết nối KCN Hiệp Phước với Long An.

“Việc hình thành không gian phát triển quận 7 – Nhà Bè sẽ thúc đẩy sự phát triển toàn diện của vùng Nhà Bè mở rộng, tiền đề cho việc hình thành một đô thị thông minh sinh thái – vệ tinh phía Nam TPHCM trong tương lai sắp tới”, TS Trương Minh Huy Vũ nhấn mạnh. 

Tin cùng chuyên mục