Tìm cơ hội cho phim hoạt hình Việt

Sau nhiều năm vẫn luôn được xếp vào loại phim ngắn, dành cho trẻ em, lần đầu tiên Cục Điện ảnh, Bộ VH-TT-DL tổ chức một cuộc thi tìm kiếm kịch bản cho phim hoạt hình có độ dài 90 phút. Độ dài vừa đủ để phim có thể chiếu rạp. Đây được coi là động thái mang tính khích lệ, gửi gắm nhiều hy vọng về một cuộc bứt phá mới cho phim hoạt hình Việt.

Trong khi phim hoạt hình thế giới đang có những bước tiến nhảy vọt với nhiều siêu phẩm “bom tấn” làm khuynh đảo phòng vé thì hoạt hình Việt, sau 60 năm hình thành, phát triển vẫn tự trói mình với những bộ phim dành cho khán giả nhỏ tuổi. Không phải những người làm hoạt hình không nhận ra được sự tụt hậu đó, song có lẽ do một thời gian dài, dòng phim này được mặc định dành cho trẻ em, hoạt động theo kiểu “bao cấp” nên ít người mạnh dạn bước qua lằn ranh của sự an toàn để tìm kiếm cách thể hiện mới.  

Gần đây, có một số đơn vị tư nhân, nhà làm phim độc lập bắt tay vào làm phim hoạt hình. Họ nhập cuộc bài bản nhưng tiếc là vẫn còn nhỏ lẻ nên mới chỉ kịp ánh lên một vài tia sáng mới tích cực. Trong khi đó, tại Hãng phim Hoạt hình Việt Nam, “anh lớn” trong dòng phim này, mỗi năm trại sáng tác của hãng nhận trên dưới 100 kịch bản, song đều là kịch bản phim ngắn.  Bởi thế, mong muốn có được những kịch bản đủ dài, chất lượng để làm một bộ phim tầm cỡ, đủ sức kéo khán giả đến rạp luôn là điều mà đội ngũ làm nghề mong muốn.

Một số người đã gắn bó với phim hoạt hình nhiều năm nhận định, đầu tư làm phim hoạt hình dài cực kỳ công phu, đòi hỏi không chỉ kinh phí mà còn phải tập trung được đội ngũ nhân lực tốt, có trình độ cao. Điều đó không có nghĩa là chúng ta không có đội ngũ làm phim hoạt hình giỏi, song cái thiếu lớn nhất được chỉ ra là sự lúng túng trong thể hiện ngôn ngữ, sự thiếu đồng bộ từ khâu ý tưởng kịch bản đến kỹ thuật…, và hơn hết là thiếu tư duy làm phim, thiếu những cú hích tạo nên sự chuyển biến của người làm nghề.

Chỉ một cuộc thi kịch bản sẽ khó có nhiều kỳ vọng có thể lấp đầy khoảng trống lớn của phim hoạt hình trong bức tranh toàn cảnh của điện ảnh Việt. Như lãnh đạo Cục Điện ảnh nhận định, để nhà sản xuất phim hoạt hình dám bước ra khỏi “vùng an toàn”, không phải chỉ một hai cuộc thi là có thể đem lại kết quả ngay. Song việc đơn vị quản lý chung tay giải quyết khâu yếu nhất là kịch bản cũng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy những nút thắt trong nhận thức, góp phần xây dựng một hướng phát triển mới chuyên nghiệp hơn cho phim hoạt hình.

Tin cùng chuyên mục