Tìm công lý cho đồng đội

Tìm công lý cho đồng đội

Nếu không được giới thiệu trước, tôi không thể nào nghĩ rằng ông là chiến sĩ biệt động thành và đã từng đi tù ở Côn Đảo. Trở về với đời thường, ông tiếp tục nhận công việc khó khăn: Đi tìm công lý cho người nghèo và cựu chiến binh.

Những năm 1990, ông Phi Long làm việc tại Nhà máy xi măng Sài Gòn. Khi cơ quan có tiêu chuẩn đi học, ông liền đăng ký. Ông tâm sự: “Tôi thích học Luật vì có nhiều bạn bè là luật sư và có đủ điều kiện để bênh vực người nghèo khổ”. Bản tính thật thà, chất phác và thẳng thắn đã khiến cuộc đời của ông Phi Long gặp nhiều phiền toái. Cuộc họp chi bộ nào, ông cũng góp ý khá thẳng thắn với lãnh đạo.

Ông Trịnh Phi Long đang tư vấn về pháp luật cho các cựu chiến binh. Ảnh: T.H.

Ông Trịnh Phi Long đang tư vấn về pháp luật cho các cựu chiến binh. Ảnh: T.H.

Bỗng một hôm, ông được lãnh đạo phòng tổ chức “bắn tin”: “Ông quen biết nhiều thì tự lo liệu, tìm cơ quan nào xin chuyển đi. Tôi thấy tên ông trong danh sách giảm biên đợt này đấy. Nếu không chuyển, tôi sẽ giải quyết theo chế độ, chính sách”. Lúc đó, giải quyết theo chế độ, chính sách là đồng nghĩa với buộc thôi việc. Tức quá, ngay trong đêm đó, ông Phi Long đã viết 8 lá đơn gửi cho lãnh đạo các cấp từ trung ương đến địa phương. Một thời gian sau, ông Phi Long được điều về đơn vị khác. Vài năm sau, ông được giải quyết nghỉ hưu theo chế độ. Kể từ đó, cuộc đời ông rẽ sang hướng khác.

Ông bắt đầu tập tành làm báo và tham gia gửi tin, bài cho các tờ báo. Năm 2000, Hội Cựu chiến binh quận Bình Thạnh thành lập tổ trợ giúp pháp lý và ông được cử làm tổ trưởng. Năm 2004, Hội Cựu chiến binh TPHCM thành lập tổ trợ giúp pháp lý và ông Phi Long cũng được cử làm tổ trưởng. Ông bắt đầu tiếp xúc với các vụ án oan sai.

Ông Phi Long cho biết: “Phần đông các vụ án oan sai đều của cựu chiến binh và người nghèo. Trong đó đáng kể nhất là vụ cựu chiến binh Phạm Sinh Dần bị mất nhà, mất đất ở huyện Bình Chánh. Chúng tôi đã đến tận nơi, gặp gỡ nhân chứng và xem xét hồ sơ, vụ việc. Sau đó, tôi hướng dẫn ông Dần làm đơn khởi kiện. Trong quá trình xét xử, lúc thì ông Dần thắng kiện, lúc thua kiện và vụ việc cứ thế kéo dài. Chỉ tính riêng vụ án này, trong 10 năm trời, tôi đã viết 156 bài gửi các báo từ trung ương đến địa phương về trường hợp này. Điều đáng mừng là tháng 3-2010, tòa án đã tuyên ông Dần thắng kiện”.

Mỗi lần bảo vệ được quyền lợi cho cựu chiến binh và người nghèo là một lần ông Phi Long và các đồng nghiệp của mình hạnh phúc. Hình như không có vụ án nào mà mà ông Phi Long và các cộng sự tham gia có thời gian thực hiện không dưới 3 năm. Tiếng lành đồn xa, đến nay, Tổ trợ giúp pháp lý của Hội CCB TPHCM đang thụ lý nhiều vụ việc ở tận Hà Nội, Lạng Sơn hay Trà Vinh, Cà Mau…

Hàng ngày, tại trụ sở làm việc của tổ trợ giúp pháp lý Hội Cựu chiến binh TPHCM, người ta lại thấy một ông cựu chiến binh đầu bạc miệt mài tìm công lý cho những người đồng đội của mình.

ĐOÀN HIỆP

Tin cùng chuyên mục