
Dịch cúm gia cầm kéo dài những ngày qua khiến hàng trăm hộ chăn nuôi ở ĐBSCL điêu đứng. Do các tỉnh chủ trương cấm bán gia cầm tràn lan ở các chợ, nên số lượng gà, vịt “quá lứa” ngày càng tăng cao; nhiều người dân không đủ sức cầm cự phải bỏ vịt “chết đói” giữa đồng… Các ngành chức năng đang khẩn trương tìm giải pháp giúp nông dân tránh nguy cơ phá sản!

Lực lượng thú y TP Cần Thơ kiểm tra vịt trước khi tiêu thụ.
Anh Nguyễn Văn Tiếp, chủ trại gà trên 3.000 con ở xã Nhơn Thạnh Trung, thị xã Tân An, tỉnh Long An thở dài khi tình hình tiêu thụ vẫn ứ đọng. Anh nói: “Gần 2 tháng qua, tôi chịu lỗ khoảng 1 triệu đồng/ngày cho chi phí thức ăn, thuốc phòng dịch… Nếu kéo dài kiểu này thì chuyện phá sản là khó tránh khỏi”.
Ông Nguyễn Văn Mỹ, nuôi 200 con vịt chạy đồng ở Tam Nông (Đồng Tháp) ủ rũ vì nợ ngân hàng, nợ nóng đang chất chồng, đàn vịt quá lứa kêu bán không ai mua, trong khi giá lúa tăng vọt lên 2.600 – 2.700 đồng/kg; không tiền mua lúa cho ăn, đành bỏ vịt chết đói.
Tình trạng trên còn lan sang các tỉnh khác trong vùng. Thạc sĩ Dương Nghĩa Quốc, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp nói: “Vấn đề bức xúc hiện nay là tìm đầu ra cho đàn gia cầm, cứu người nuôi khỏi cảnh vỡ nợ”.
Theo đó, Đồng Tháp triển khai xây dựng 2 khu giết mổ gia cầm tập trung ở thị xã Cao Lãnh và thị xã Sa Đéc với tổng kinh phí gần 1 tỷ đồng, cố gắng đưa vào hoạt động trước Tết Bính Tuất. Song song đó, tỉnh cũng yêu cầu 9 huyện còn lại khẩn cấp qui hoạch nhanh khu giết mổ sạch, nơi nào khó khăn tỉnh sẽ cho ứng vốn trước, cố gắng giải quyết đầu ra cho người nuôi.
Tại An Giang, UBND tỉnh vừa tổ chức họp bàn với các doanh nghiệp xây dựng khu giết mổ sạch, dự định tổ chức mỗi huyện 1 – 2 điểm. Ông Huỳnh Thế Năng, Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang cho biết: “An Giang sẽ tổ chức cho các bạn hàng lớn chuyên kinh doanh gia cầm, trực tiếp thu mua các đàn vịt qua kiểm dịch để giết mổ, sau đó đưa ra các chợ phục vụ người tiêu dùng”.
Ở Kiên Giang cũng đang khẩn trương xây dựng khu giết mổ lớn, với công suất khoảng 1.000 con gia cầm/giờ. Có thể nói, từ khi Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền và hướng dẫn tiêu thụ gia cầm không nhiễm bệnh đã được kiểm dịch; đồng thời có chính sách cho doanh nghiệp vay 15 triệu đồng/tấn gia cầm, hỗ trợ lãi suất 3 tháng; và 20 triệu đồng/tấn gia cầm đóng hộp, hỗ trợ lãi suất 6 tháng… thì thị trường tiêu thụ khởi sắc trở lại.
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP vào tối 16-12, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng cho biết: “Các tỉnh ĐBSCL đã đủ điều kiện tiêu thụ gia cầm. Vấn đề cấp bách là từng địa phương tăng cường kiểm dịch, tổ chức thu mua gia cầm cho dân và đưa vào giết mổ theo đúng qui trình… để tháo gỡ khó khăn về đầu ra”.
Hiện tại, trứng gà ở ĐBSCL là 650 đồng/trứng (tăng 250 đồng/trứng so với đầu tháng 11); trứng vịt cũng tăng lên 700 – 1.000 đồng/trứng. Tại siêu thị Metro - Hưng Lợi (Cần Thơ), giá thịt gà nguyên con từ 25.900 đồng/kg tăng lên 28.900 đồng/kg… Điều đó cho thấy người tiêu dùng đã quay lại với thịt và trứng gia cầm. Tuy nhiên, lượng bán ra còn ít và tại các trại chăn nuôi, lượng gia cầm và trứng còn ứ đọng rất nhiều.
LỢI – PHƯƠNG
Bộ Y tế khẳng định: Việt Nam vẫn là điểm đến an toàn Ngày 16-12, Bộ Y tế đã có thông báo về tình hình dịch cúm A (H5N1) ở người tại Việt Nam và các biện pháp phòng chống dịch. Thông báo nêu rõ, tại Việt Nam từ tháng 12-2003 đến nay đã ghi nhận 93 trường hợp mắc cúm A (H5N1), trong đó 42 trường hợp tử vong tại 32 tỉnh/thành phố. Đa số các trường hợp mắc đều có liên quan đến gia cầm mắc bệnh, chưa xác định có lây nhiễm từ người sang người. Từ ngày 14-11-2005 đến nay, Việt Nam không ghi nhận trường hợp mắc cúm mới. Trong mùa đông tới, Bộ Y tế đề ra những biện pháp cấp bách tăng cường phòng chống bệnh cúm A (H5N1). Theo đó, yêu cầu thực hiện nghiêm ngặt 4 biện pháp sau: Thứ nhất, duy trì thường xuyên hoạt động của các đơn vị giám sát, phòng chống dịch cúm A (H5N1) ở người và đặc biệt là phát hiện sớm và xử lý triệt để các ổ dịch cúm gia cầm. Thứ hai, tăng cường trang thiết bị cho cơ sở và giám sát phát hiện sớm ca bệnh, hạn chế tỷ lệ mắc và tử vong. Thứ ba, UBND các cấp triển khai kế hoạch hành động chống dịch khẩn cấp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thứ tư, Bộ Y tế khẳng định, Việt Nam vẫn là điểm đến an toàn cho các đoàn du lịch và hội nghị quốc tế, vì vậy Bộ Ngoại giao, Tổng cục Du lịch phối hợp với Bộ Y tế và Bộ NN-PTNT thường xuyên thông báo cho các đoàn ngoại giao biết tình hình dịch tại Việt Nam. * Theo Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), đến ngày 16-12, đã có thêm 6 tỉnh đã qua 21 ngày không phát dịch là: Bắc Giang, Hòa Bình, Thái Bình, Hưng Yên, Long An, Hải Dương. Như vậy, toàn quốc chỉ còn 90 xã, phường của 46 quận, huyện, thị xã thuộc 15 tỉnh, thành phố dịch xảy ra chưa qua 21 ngày là: Bắc Ninh, Cao Bằng, Ninh Bình, Phú Thọ, Sơn La, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Giang, Yên Bái, Quảng Trị, Bắc Kạn. Q.P. - L.V. |