Tìm giải pháp hòa bình cho Syria

Sau cuộc không kích của liên quân Mỹ, Anh và Pháp vào Syria ngày 14-4, dư luận thế giới đều lo ngại về biện pháp quân sự và ủng hộ một giải pháp lâu dài, ổn định nhằm chấm dứt chiến tranh ở Syria.
Người dân Mỹ biểu tình tại Philadelphia, bang Pennsylvania, phản đối Mỹ không kích Syria
Người dân Mỹ biểu tình tại Philadelphia, bang Pennsylvania, phản đối Mỹ không kích Syria

Phản đối tấn công

Bộ Ngoại giao Iraq cảnh báo rằng các cuộc không kích của phương Tây nhằm vào Syria ngày 14-4 là một diễn biến “rất nguy hiểm”, có thể thúc đẩy sự trỗi dậy của chủ nghĩa cực đoan trong khu vực. Còn tại Hy Lạp, hàng ngàn người dân nước này đã xuống đường tuần hành trên các tuyến phố ở trung tâm thủ đô Athens để phản đối cuộc tấn công của liên quân do Mỹ đứng đầu nhằm vào Syria.

 Theo ước tính của cảnh sát, có khoảng 6.000 thành viên đảng Cộng sản Hy Lạp (KKE) đã tham gia cuộc biểu tình lần này. Những người biểu tình mang theo các khẩu hiệu phản đối chiến tranh đã tập trung trước trụ sở Quốc hội Hy Lạp, sau đó tuần hành tới Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Athens.

Phát biểu trước đám đông người biểu tình, Tổng Thư ký KKE Dimitris Koutsoumbas kêu gọi Chính phủ Hy Lạp đứng ngoài cuộc xung đột, đóng cửa các căn cứ quân sự nước ngoài ở nước này và rút khỏi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Theo những người biểu tình, lý do nhằm trả đũa cuộc tấn công nghi có sử dụng vũ khí hóa học mà Mỹ và các nước đồng minh đưa ra để tấn công Syria chỉ là cái cớ. Thực chất, cuộc tấn công này là nhằm giành quyền kiểm soát các nguồn năng lượng trong khu vực.

Ngày 15-4, các hoạt động biểu tình cũng đã diễn ra tại các thành phố của Mỹ như Los Angeles, Portland, New York và thủ đô Washington phản đối các cuộc không kích do Mỹ dẫn đầu nhằm vào Syria sáng 14-4. Những người biểu tình kêu gọi hòa bình và phản đối chiến tranh đã mang theo nhiều biểu ngữ như “Mỹ không được gây chiến tại Syria” hay “Đánh bom Syria sẽ không thể bảo vệ dân thường mà là giết hại họ”, đồng thời hô vang khẩu hiệu “Hãy tránh xa Syria”.

Cũng liên quan vấn đề Syria, ngày 14-4, Bộ Ngoại giao Morocco lên án việc sử dụng vũ khí hoá học, đặc biệt là nhằm vào dân thường vô tội. Tuy nhiên, những kinh nghiệm trong quá khứ cũng đã chỉ ra rằng các lựa chọn quân sự - bao gồm cả không kích - chỉ khiến việc tìm ra một giải pháp chính trị càng trở nên khó khăn hơn, làm tăng thêm những bất hạnh mà người dân phải chịu cũng như nuôi dưỡng và thúc đẩy những tư tưởng chống lại phương Tây.

Chính phủ Peru, Brazil…cũng bày tỏ lo ngại, đồng thời khẳng định luôn bảo vệ một giải pháp thương lượng đối với cuộc xung đột tại quốc gia Trung Đông này.

Tìm hướng đàm phán

Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cho biết Paris sẽ đệ trình các sáng kiến cho cuộc khủng hoảng Syria trong ngày 16-4 tại Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (HĐBA LHQ) và Hội đồng Ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU). Theo ông Le Drian, cần phải lên kế hoạch hướng tới một giải pháp hòa bình ở Syria. Tại New York và Brussels, Pháp sẽ phác thảo một lộ trình với những người muốn đóng góp cho kế hoạch này.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas tuyên bố Đức và Pháp sẽ mở ra một hình thức đàm phán mới nhằm giải quyết vấn đề Syria, trong đó có sự tham gia của các quốc gia có ảnh hưởng để đảm bảo giải quyết xung đột chính trị tại quốc gia Trung Đông này.

Phát biểu với báo chí tại Berlin, ông Maas nói rằng Đức sẽ hợp tác với Pháp trong việc tạo ra một định dạng quốc tế mới để giải quyết vấn đề xung đột tại Syria.  Ngoại trưởng Đức khẳng định các sáng kiến để giải quyết khủng hoảng Syria sẽ trở thành một trong những chủ đề quan trọng tại cuộc họp Hội đồng Ngoại trưởng EU.

Theo Reuters, khắp nước Mỹ chỉ trích việc thiếu một chiến lược rộng lớn hơn cho Syria nằm kết thúc cuộc chiến kéo dài 7 năm tại đây. “Để thành công trong thời gian dài, chúng ta cần một chiến lược toàn diện cho Syria và toàn bộ khu vực”, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John McCain nói trong một tuyên bố sau cuộc không kích. Một số quan chức cấp cao của Mỹ giấu tên  khẳng định rằng cần có một cuộc đàm phán mới về hòa bình cho Syria.

Cần làm sáng tỏ cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học

Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) đã đến Damascus để bắt đầu công tác điều tra vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học tại thị trấn Douma hồi tuần trước. Nhóm chuyên gia sẽ có nhiệm vụ xác định rằng liệu 1 vụ tấn công vũ khí hóa học có xảy ra tại đây hay không, chứ không phải xác định đối tượng chịu trách nhiệm. Chính phủ Syria khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ với nhóm chuyên gia này trong quá trình điều tra.

Cả Mátxcơva và Damascus đều cho rằng vụ không kích Syria của liên quân Mỹ-Anh-Pháp chính là nhằm cản trở tiến trình điều tra tại thực địa của nhóm chuyên gia OPCW, khi mà vụ việc tại Douma là kế hoạch được dàn dựng trước của phương Tây để tiếp tục can thiệp vào Syria. 

Mỹ, Pháp và Anh cũng đã tìm cách mở một cuộc điều tra mới vào vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học tại thị trấn Douma, thuộc Đông Ghouta của Syria. 3 nước đồng minh đưa ra một dự thảo nghị quyết chung tại HĐBA LHQ, trong đó kêu gọi chuyển hàng viện trợ nhân đạo mà không bị cản trở, thực thi lệnh ngừng bắn được thông qua vào tháng 2 vừa qua và yêu cầu Syria tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình do LHQ chủ trì.

Bên cạnh đó, nghị quyết cũng yêu cầu mở một cuộc điều tra độc lập về cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học trong vụ tấn công tại Syria với mục đích xác nhận thủ phạm. Nghị quyết này sẽ đề nghị OPCW báo cáo lại trong 30 ngày về việc liệu Syria có hoàn toàn công khai kho vũ khí hóa học hay không.

Tin cùng chuyên mục