Tìm phương án xử lý hiệu quả gần 3.000 dự án tồn đọng

Chiều 17-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị toàn quốc sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các dự án, đất đai theo Kết luận số 77-KL/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 170/2024/QH15 của Quốc hội và triển khai ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các dự án tồn đọng trên cả nước.

R1b.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu tới dự hội nghị toàn quốc sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án, chiều 17-7. Ảnh: QUANG PHÚC

Theo thông tin tại hội nghị, đến nay cả nước còn 2.981 dự án tồn đọng, kéo dài nhiều năm, gây lãng phí nguồn lực, liên quan đến vướng mắc về pháp lý, quản lý, sử dụng đất đai, quy hoạch, trong đó có những dự án được xác định có sai phạm. Các dự án tồn đọng thuộc thẩm quyền giải quyết của cả Trung ương, nhưng chủ yếu thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, việc Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ có các kết luận, nghị quyết, nghị định về cơ chế, chính sách đặc thù để thí điểm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai tại 5 địa phương là rất đúng đắn, cần thiết, có hiệu quả. Trong tổng số 2.981 dự án tồn đọng, kéo dài hiện nay có 3 loại. Nhóm thứ nhất, những dự án rõ sai phạm, nhóm thứ 2 là những dự án vướng mắc về thủ tục, nhóm thứ 3 là những dự án có dấu hiệu vi phạm.

Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương tiếp tục rà soát, tổng hợp, phân loại, phân tích, đánh giá các dự án; đề ra hướng xử lý phù hợp quy định, trên nguyên tắc các vấn đề thuộc thẩm quyền của cấp nào, ngành nào thì cấp đó, ngành đó xử lý, khi vượt thẩm quyền, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý; đảm bảo xử lý, giải quyết đúng người, đúng việc, đúng nội dung, đúng phạm vi, đối tượng; đảm bảo tính thực tiễn sâu sắc, tính khả thi, đề xuất phương án xử lý rõ ràng, hiệu quả cụ thể, mang tính nhân văn thực sự, rõ đến đâu làm đến đó. Qua đó, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án, đất đai, chống lãng phí, huy động nguồn lực, thúc đẩy sự phát triển, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng 8,3%-8,5% trong năm 2025, tạo đà, tạo lực, tạo khí thế để tăng trưởng 2 con số trong những năm tới.

Thủ tướng yêu cầu Ban chỉ đạo về giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc các dự án tồn đọng tiếp tục hoàn thiện báo cáo trình Bộ Chính trị xem xét; đề nghị Ủy ban Kiểm tra Trung ương tiếp tục thực hiện vai trò giám sát, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng thực hiện tốt nhiệm vụ này. Các địa phương phối hợp chặt chẽ với ban chỉ đạo, Đảng ủy Chính phủ để hoàn thành báo cáo trình Bộ Chính trị trong tháng 8-2025 với chất lượng tốt nhất có thể, mang tính khả thi, hiệu quả, nhân văn để thúc đẩy sự phát triển. Trong đó, báo cáo xin ý kiến xử lý những việc thuộc thẩm quyền của Bộ Chính trị, thẩm quyền của Quốc hội, những vấn đề thuộc thẩm quyền Chính phủ thì Chính phủ giải quyết, vấn đề gì thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành, địa phương thì các bộ, ngành, địa phương phải chủ động thực hiện.

Thủ tướng nhấn mạnh, đây là công việc khó, chưa có tiền lệ nhưng chúng ta đã có kinh nghiệm giải quyết và với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, làm việc nào dứt việc đó, có trọng tâm, trọng điểm, không cầu toàn không nóng vội; phân công “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ kết quả, rõ thẩm quyền”.

Tin cùng chuyên mục