Trong khi trước đó, tính đến ngày 21-12-2020, tín dụng mới tăng 10,14% so với cuối năm 2019. Như vậy, chỉ trong 10 ngày cuối cùng của năm 2020, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng thêm khá mạnh khoảng 2%.
Theo Phó Thống đốc thường trực NHNN Việt Nam Đào Minh Tú, tăng trưởng tín dụng năm 2020 mặc dù không đạt như kỳ vọng (ở mức 14%) nhưng đã cho thấy sự nỗ lực rất lớn của toàn hệ thống ngân hàng. Bên cạnh đó, nợ xấu được kiểm soát và xử lý quyết liệt bằng nhiều giải pháp, trong đó việc thu hồi nợ được các tổ chức tín dụng thực hiện đạt kết quả tích cực.
Định hướng năm 2021, ông Đào Minh Tú cho biết, ngành ngân hàng đặt ra mức tăng trưởng tín dụng khoảng 12%. Tuy nhiên, nếu nền kinh tế có nhu cầu vốn nhiều hơn, NHNN sẽ mở rộng tín dụng cao hơn khi cần thiết.
Theo đó, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ (đặc biệt là lãi suất, tỷ giá) chủ động, linh hoạt phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ, đảm bảo thị trường tiền tệ, ngoại hối ổn định, thông suốt. Chỉ đạo tổ chức tín dụng tiếp tục triệt để tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay, đơn giản hóa quy trình thủ tục, tạo điều kiện cho khách hàng vay mới phục hồi sản xuất kinh doanh. Tiếp tục điều hành tín dụng theo hướng mở rộng tín dụng hiệu quả, tập trung vốn cho vay các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đồng thời, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Đáng lưu ý, ngành ngân hàng sẽ xây dựng và trình Chính phủ đề án tổng thể cơ cấu lại các tổ chức tín dụng giai đoạn 2021-2025 và chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động xây dựng phương án cơ cấu lại để sớm triển khai trong thời gian tới.