Vào dịp cuối năm các hoạt động văn hóa tín ngưỡng diễn ra sôi động và phong phú, tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân vui xuân, đón Tết cổ truyền. Tuy nhiên, bên cạnh những hoạt động lành mạnh, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần - tín ngưỡng, còn có nhiều loại hình mê tín dị đoan, dịch vụ bói toán… đến hẹn lại nở rộ.
Sách tử vi, bói toán tràn lan
Trước cổng chùa Vĩnh Nghiêm, vào buổi sáng đầu tháng 1-2011, chúng tôi đếm có ít nhất 5 quầy bán sách tử vi “di động” trên những thùng giấy xốp. Để đối phó với các ngành chức năng, công an địa phương, đội quân chuyên bán sách bói toán này chỉ để vài quyển sách tượng trưng trên thùng giấy, còn lại giấu kín ở gần đó.
Ở nhiều tuyến đường, ngôi chợ khác trên địa bàn TP, đội quân bán dạo sách báo cũng rao bán các loại sách tử vi, bói toán một cách công khai. Quanh đi quẩn lại vẫn là các loại sách cũ, in ấn kém chất lượng với tựa đề: Lịch tử vi Tân Mão, Căn duyên tiền định, Giải mã giấc mơ, Thái Ất tử vi Tân Mão…
Ngoài ra, các loại tờ in lẻ từ Lịch tử vi Tân Mão dành cho từng độ tuổi cũng được bày bán với giá 2.000 đồng/tờ. Theo Công an phường 7, quận 3 - địa bàn nóng về tệ nạn này, năm nào công an địa phương cũng ra quân truy quét việc mua bán các ấn phẩm mê tín dị đoan trên địa bàn, nhất là ở khu vực chùa Vĩnh Nghiêm. Thế nhưng, “giống như bắt cóc bỏ dĩa”, loại hình kinh doanh này vẫn tồn tại mỗi khi tết đến.
Không chỉ có sách tử vi “lên ngôi”, các dịch vụ bói toán cũng cạnh tranh và đua nhau bùng nổ. Chẳng cần úp mở, nhiều thầy bói còn tiếp thị trên mạng internet, kênh truyền hình và sẵn sàng phục vụ khách hàng mọi lúc - mọi nơi, từ nhà riêng đến công sở.
Anh K., giám đốc một công ty tư nhân nhà ở quận Bình Thạnh, tự thú mình là tín đồ của bói toán. Mỗi khi chuẩn bị đầu tư cho một hợp đồng hoặc một sô làm ăn mới, anh thường đi coi bói để tự tin trong quyết định bỏ vốn. Nơi anh K. gởi gắm niềm tin và vận mệnh làm ăn là một bà thầy bói khá nổi danh ở một con hẻm trên đường Cách Mạng Tháng Tám, quận 3. Bình quân, một khách hàng coi thời vận, số tử vi trọn năm thì giá cả 500.000 - 1.000.000 đồng/lần. Khách muốn xem tử vi, tướng số, chỉ tay… đều phải đăng ký, hẹn ngày giờ mới được thỏa mãn ý nguyện, vì bà H. luôn có nhiều khách hàng chờ đợi.
Khó có thể thống kê hết các địa chỉ xem bói như tử vi, chỉ tay, bói bài, xem chữ ký đoán vận mệnh… “ẩn núp” ở khắp các quận, huyện. Giá cả xem tử vi, bói bài cũng khác nhau và tùy thuộc vào yêu cầu hẹp hay rộng hay đoán vận mệnh gần hay xa của thân chủ. Một thầy bói chuyên xem vận mệnh cho một số quan chức bật mí: “Những kẻ hay chạy chức chạy quyền thường thích xem bói và tin vào những điều thầy bói phán. Nếu vô tình đoán trúng ý muốn của khách hàng thì… tôi được trọng thưởng số tiền lớn”.
Xả tiền... đặt lễ, hái lộc xuân
Cứ vào dịp đầu năm mới, bà B. ở quận 5 lại chuẩn bị lễ chùa đầu năm rất lớn, tốn bạc triệu. Bà quan niệm cúng chùa đầu năm phải “nặng đô” như heo quay, đồ vàng mã thật nhiều thì sẽ gặp hên, làm ăn buôn bán thuận lợi cả năm. Còn anh P. ở quận Tân Bình thì sùng bái chuyện cúng sao, giải hạn khi bước vào năm tuổi sao Thái bạch hoặc Kế đô. Nghe lời khuyên của thầy bói, mỗi tháng anh chuẩn bị lễ cúng sao giải hạn đúng ngày giờ, đủ lễ vật, vàng mã… lên đến vài trăm ngàn đồng.
Dựa theo suy nghĩ – “dương thế có gì thì âm phủ có nấy”, các cơ sở sản xuất vàng mã ở TPHCM có thể cung ứng bất cứ thứ gì khách hàng cần như nhà lầu, xe hơi, xe máy đời mới, các loại tiền nội, ngoại… Nhìn người ta chở trên xe những món hàng mã đủ màu sắc lòe loẹt, cồng kềnh như xe hơi, nhà lầu… đến chùa chiền, đình thờ để cúng tế, ai nấy đều lo ngại cho kiểu tín ngưỡng biến tướng thái quá này.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, thực hiện cuộc vận động nếp sống văn minh đô thị, nhiều ngôi chùa, đền thờ ở TPHCM đã hưởng ứng và kêu gọi tăng ni, phật tử, du khách viếng chùa không đốt vàng mã quá nhiều và chỉ được thắp một cây nhang tượng trưng. Ở những ngôi chùa văn minh này, các vị chủ trì đều có chung quan niệm: “Thay vì xả tiền đốt vàng mã, đốt nhang đèn quá nhiều gây lãng phí, ô nhiễm môi trường, các phật tử, du khách nên tiết kiệm để dành tiền làm từ thiện, cứu giúp các chúng sanh còn nghèo khổ”. Thật vậy, các hoạt động tín ngưỡng luôn được nhà nước và xã hội tôn trọng nhưng thể hiện như thế nào cho có văn hóa, đúng chuẩn mực lại tùy thuộc vào suy nghĩ, hành động của từng người.
Hà Anh