Sau những tiết lộ động trời về vụ theo dõi điện thoại, Internet của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA), ngày 22-6, cựu nhân viên Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) Edward Snowden tiếp tục cho biết tình báo Anh còn trên tài đồng nghiệp ở Mỹ khi xâm nhập mạng cáp quang của thế giới để đánh cắp dữ liệu, theo dõi các thông tin cá nhân nhạy cảm.
Chương trình Tempora
Theo tiết lộ của Snowden với tờ Guardian, các nhân viên của Cơ quan truyền thông Chính phủ Anh (GCHQ), thực chất là điệp viên của Anh, đã bí mật truy cập vào mạng lưới đường truyền Internet và điện thoại rồi chia sẻ các thông tin thu được với các cộng sự ở NSA. Để khai thác thông tin, GCHQ đã gắn thiết bị thăm dò ở các đoạn cáp quang đi qua Đại Tây Dương từ Tây Âu sang Bắc Mỹ. Việc này được thực hiện với sự giúp sức của các công ty thương mại, được mô tả trong một tài liệu bí mật như là “các đối tác”. Các công ty trên sẽ được nhận một khoản chi phí và thông tin về “đối tác” sẽ được GCHQ giữ kín.
Sức mạnh của GCHQ được thể hiện qua 2 chức năng: làm chủ Internet và khai thác viễn thông toàn cầu, với mục tiêu thu thập được càng nhiều thông tin càng tốt. Chương trình thu thập thông tin có mã hiệu Tempora, được thực hiện trong khoảng 18 tháng qua. Với việc thâm nhập cáp quang không giới hạn, GCHQ và NSA có thể truy cập và xử lý số lượng lớn thông tin liên lạc giữa những người dân bình thường cũng như các mục tiêu khả nghi. Dữ liệu mà GCHQ thu thập bao gồm bản ghi âm các cuộc gọi điện thoại, nội dung của thư điện tử; những gì đăng tải trên Facebook và lịch sử truy cập các trang web của người sử dụng Internet.
“Có thể thấy hoạt động theo dõi không chỉ là một vấn đề của riêng nước Mỹ. Anh cũng tham gia quyết liệt và mức độ đánh cắp thông tin còn lớn hơn nhiều so với Mỹ”, Snowden khẳng định.
Lách luật
Trên thực tế, chương trình theo dõi của Anh đã được biết đến từ năm 2010, 2 năm sau khi dự án được thử nghiệm lần đầu tiên. Anh đã xâm nhập mạng cáp quang của thế giới để tạo khả năng “truy cập Internet lớn nhất” cho các thành viên Five Eyes, là liên minh tình báo gồm Mỹ, Anh, Canada, Australia và New Zealand.
Theo Snowden, GCHQ có thể đã tạo được “siêu dữ liệu” lớn hơn gấp nhiều lần so với NSA (siêu dữ liệu là thông tin cơ bản về hoạt động liên lạc có thể thông qua các cuộc điện thoại, trao đổi thư điện tử… nhưng không có chi tiết nội dung). Công nghệ tiên tiến giúp tốc độ khai thác thông tin của GCHQ tương đương với việc thu thập thông tin trong khoảng 14 triệu cuốn sách trong Thư viện Anh 192 lần/ngày. Tháng 5 năm ngoái, 300 nhà phân tích của GCHQ và 250 người từ NSA đã được chỉ đạo sàng lọc các dữ liệu. Theo Guardian, tổng cộng 850.000 nhân viên NSA và các nhà thầu tư nhân của Mỹ đã được phép truy cập vào cơ sở dữ liệu của GCHQ.
Hiện tính hợp pháp của hoạt động này đang là vấn đề tranh cãi. Một nguồn tin tình báo mà Guardian có được khẳng định các dữ liệu thu thập được thực hiện một cách hợp pháp theo quy định của pháp luật, và những thông tin đó đã giúp lực lượng an ninh có những đột phá quan trọng trong việc phát hiện và ngăn chặn tội phạm nguy hiểm. Guardian cho rằng GCHQ đã tiến hành theo dõi thông tin bằng cách áp dụng điều luật cũ đối với công nghệ mới. Năm 2000, Đạo luật quy định quyền hạn điều tra (Ripa) yêu cầu việc khai thác các mục tiêu xác định phải được Bộ trưởng Nội vụ hoặc Bộ trưởng Ngoại giao cho phép. Tuy nhiên, một điều khoản để GCHQ lách luật là cho phép Bộ trưởng Ngoại giao ký giấy quyết định theo dõi, miễn sao việc theo dõi đó thực hiện ở nước ngoài. Việc thông tin được truyền theo cáp quang, theo Guardian, đã xóa đi ranh giới giữa trong nước và hải ngoại.
| |
ĐỖ CAO (tổng hợp)