Tình hình đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn nhà nước: “Bệnh” cũ vẫn còn!

Sáng 22-9, trong ngày đầu tiên của phiên họp thứ 12 Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã xem xét báo cáo của Chính phủ và báo cáo giám sát của đoàn giám sát UBTVQH về tình hình thực hiện chính sách về đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) sử dụng vốn nhà nước ở các bộ, ngành, địa phương giai đoạn 2005 – 2007.

Báo cáo của đoàn giám sát UBTVQH chỉ rõ, tình trạng bố trí vốn dàn trải, kém hiệu quả vẫn khá phổ biến, thậm chí còn có xu hướng tăng cả về số dự án và tỷ lệ dự án.

Cụ thể, năm 2005 có 2.280 dự án chậm tiến độ, chiếm 9,2% tổng số dự án thực hiện đầu tư trong năm, trong đó 48 dự án nhóm A chậm tiến độ, chiếm 11,54% tổng số các dự án nhóm A thực hiện đầu tư trong năm; năm 2006 có 3.595 dự án chậm tiến độ, chiếm 13,1%, trong đó có 25 dự án nhóm A (8,28%); năm 2007 có 3.979 dự án chậm tiến độ, chiếm 13,9%, trong đó có 19 dự án nhóm A (7,88%).

Công trình giảng đường Đại học Quốc gia TPHCM hoàn thành từ tháng 2-2006 nhưng năm 2007 vẫn chưa đưa vào khai thác, sử dụng; nhà máy xử lý nước thải khu đô thị Bắc Thăng Long - Vân Trì hoàn thành bàn giao từ tháng 10-2005 với trị giá 65,55 tỷ đồng và 1.255 triệu yên nhưng không thể vận hành do… chưa được cung cấp nguồn điện! Đáng lưu ý, Tập đoàn Điện lực quốc gia (EVN) có đến hàng chục dự án điện chậm tiến độ, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế và đời sống nhân dân.

Dự án cầu Thanh Trì và tuyến phía Nam vành đai 3 Hà Nội với số vốn đầu tư 7.660 tỷ đồng chậm trễ nhiều tháng, mỗi ngày phải trả 1,5 tỷ đồng tiền lãi vay. Cầu xây xong nhưng hai đường dẫn lên cầu chưa hoàn thành nên tốn thêm cả chục tỷ đồng nữa để xây dựng đường tạm, song chất lượng đường rất kém, thường xuyên gây ách tắc...

Phó Tổng Thanh tra Nhà nước Mai Quốc Bình nhận định: “Ngay từ khâu quyết định đầu tư nếu có “tiền kiểm”, cân nhắc kỹ hơn, sát sao hơn thì đã có thể tránh được những lãng phí tiền tỷ. Khi ra quyết định đầu tư, vẫn còn có tình trạng “cát cứ”, chạy theo thành tích tăng trưởng nên cứ mạnh địa phương nào địa phương ấy làm, bất kể chồng chéo, vô hình trung tạo ra một cuộc cạnh tranh tự hại lẫn nhau”! Thực tế, đã có nhiều sai sót trong việc ban hành quyết định đầu tư như quyết định đầu tư sai mục đích, vượt thẩm quyền, không phù hợp với thực tế.

Còn nhiều “giấy phép con”

Một mặt công nhận những nỗ lực của Chính phủ và các địa phương trong công tác xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý, mặt khác, theo ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách QH, tình trạng luật và văn bản hướng dẫn thi hành chậm được ban hành, thay đổi thường xuyên, thiếu tính dự báo..., thậm chí mâu thuẫn nhau, vẫn còn khá phổ biến.

Đặc biệt thủ tục về đầu tư XDCB còn phức tạp, thời gian từ khâu chuẩn bị đến triển khai dự án đầu tư xây dựng quá dài, qua nhiều bước. Một số địa phương còn tự đặt ra các thủ tục trái với quy định của Chính phủ theo kiểu “giấy phép con”.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, chỉ qua rà soát 3 loại dự án (khu đô thị mới, khu nhà ở và hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp) đã thấy một số địa phương tự đặt ra khoảng 8 loại thủ tục khác nhau cần bãi bỏ.

Ông Phùng Quốc Hiển bức xúc: “Dự án nhóm A từ khi có chủ trương đến khi đủ thủ tục khởi công mất gần 4 năm, tính đến khi phát huy hiệu quả mất ngót nghét chục năm, dự án nhóm C thủ tục cũng mất 2 năm, khoảng 2 năm thi công nữa là 4 năm. Đó là nếu suôn sẻ, không vướng mắc gì lớn… Rõ ràng là mất quá nhiều thời gian nên hiệu quả hạn chế”.

“Chìa khóa trao tay” là giải pháp?

Nhấn mạnh thực tế là rất nhiều chủ đầu tư dự án XDCB không có chuyên môn về xây dựng, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu bình luận: “Bộ Tư pháp không có chuyên môn về đầu tư xây dựng cũng được giao làm chủ đầu tư nhiều dự án nhóm B,C. Tại sao không vận dụng hình thức “chìa khóa trao tay” để hiệu quả cao hơn? Các bộ ngành khác không có chuyên môn về xây dựng cũng nên làm theo hình thức này để tránh thất thoát, lãng phí.

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của QH Trương Thị Mai đồng tình: “Ngành y tế, giáo dục không có nhiều kinh nghiệm trong đầu tư xây dựng cơ bản, tới đây được giao mỗi năm 4.000 – 5.000 tỷ đồng. Nếu không giải quyết theo kiểu “chìa khóa trao tay” thì liệu có đảm bảo chất lượng đầu tư không?”.

Cũng theo Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu, để giảm sự mâu thuẫn, chồng chéo trong hệ thống văn bản pháp luật đang cản trở hiệu quả đầu tư XDCB, Chính phủ đã đề xuất sửa hàng loạt dự án luật. UBTVQH nên xem xét đưa những dự án luật này vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH trong năm 2008 và 2009.

Chiều cùng ngày, UBTVQH đã nghe và cho ý kiến về dự án Luật Quản lý nợ công. 

ANH PHƯƠNG 

Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XII khai mạc ngày 16-10

* Sẽ xem xét việc không tổ chức HĐND huyện, quận, phường

(SGGP). – Văn phòng Quốc hội vừa cho biết, dự kiến, kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XII sẽ khai mạc ngày 16-10 tại Hà Nội và sẽ làm việc trong 28 ngày.

Ngoài việc dành phần lớn thời gian đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội (KT-XH) và ngân sách nhà nước năm 2008; quyết định nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2009; dự toán ngân sách nhà nước năm 2009…, QH sẽ tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn nhà nước ở các bộ, ngành, địa phương giai đoạn 2005 - 2007.

Về công tác lập pháp, QH sẽ thông qua 1 nghị quyết và 8 dự án luật gồm: Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); Luật Cán bộ, công chức; Luật Quốc tịch Việt Nam (sửa đổi); Luật Thi hành án dân sự; Luật Bảo hiểm y tế; Luật Công nghệ cao; Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi); Luật Đa dạng sinh học. QH sẽ cho ý kiến lần đầu đối với 8 dự án luật khác và xem xét 2 đề án thực hiện thí điểm việc không tổ chức HĐND huyện, quận, phường và nhân dân trực tiếp bầu chủ tịch UBND xã.

A.THƯ

Tin cùng chuyên mục