Tình thơ Xuân Diệu

Tình thơ Xuân Diệu

Năm 1941, khi đọc tập thơ đầu tay “Thơ thơ” (xuất bản năm 1938), nhà phê bình Hoài Thanh đã nhận xét về Xuân Diệu là một hồn thơ: “…Thiết tha, rạo rực, băn khoăn”; “cái náo nức, cái xôn xao của Xuân Diệu cũng là cái náo nức, cái xôn xao của thanh niên Việt Nam bây giờ”.

Tình thơ Xuân Diệu ảnh 1

Xuân Diệu tên thật là Ngô Xuân Diệu, sinh ngày 2-2-1916 tại Gò Bồi, xã Tùng Giản, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định (quê mẹ). Quê cha của Xuân Diệu ở làng Trảo Nha, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.

Xuân Diệu học ở Quy Nhơn, Huế, Hà Nội, tốt nghiệp cử nhân Luật. Xuân Diệu suốt đời làm thơ và là một cây đại thụ của nền thơ ca hiện đại Việt Nam, là “nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới” và là “ông hoàng của thơ tình”.

Xuân Diệu mất ngày 18-12-1985 tại thủ đô Hà Nội, thọ 69 tuổi, để lại một gia tài văn học đồ sộ gồm thơ, văn, dịch thuật, tiểu luận phê bình văn học có giá trị.
 Xuân Diệu là nhà thơ đi nhiều, sống nhiều và sáng tác không mệt mỏi. Cũng như Tagore (Ấn Độ), Xuân Diệu luôn “Mở cửa tâm hồn để đón gió bốn phương thổi tới” bởi “Sự sống không bao giờ chán nản”. Xuân Diệu thiết tha: “Ta muốn ôm. Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn”… Điều đó cắt nghĩa tại sao Xuân Diệu là một nhà thơ hàng đầu của thơ mới lại đón nhận cuộc sống của Cách mạng Tháng Tám nồng nhiệt và tự giác.

Trường ca “Ngọn quốc kỳ” viết ngay trong không khí sục sôi của toàn dân tộc là một minh chứng cho quan niệm sống hết mình với cuộc đời và thơ của Xuân Diệu. “Ngọn quốc kỳ” có thể được xem là tác phẩm thơ Xuân Diệu viết dài ngày nhất trong đời thơ của ông. Suốt 3 tháng với cái thiết tha, rạo rực, băn khoăn, Xuân Diệu đã tìm hiểu, cùng Tố Hữu - nhà thơ cách mạng, đã sáng tác và đã thay mặt các nhà thơ lãng mạn Việt Nam giương cao “Ngọn quốc kỳ” một cách tự hào.

Với “Ngọn quốc kỳ”, Xuân Diệu tự nguyện thay đổi mình, thay đổi phong cách thơ, hay nói cách khác là phát triển phong cách thơ Xuân Diệu từ thơ ca lãng mạn thành thơ ca lãng mạn cách mạng. Sau 61 năm, chúng ta cảm động đọc lại những câu thơ đầy chất tráng ca của Xuân Diệu:
 …“Ôi những chiến sĩ những anh hùng
Những kẻ hồn xanh như ngọc bích
Đi theo tiếng gọi nước non thiêng
Đứng dưới sao vàng ra kháng địch
Mắt trào lửa giận chói con ngươi...”
    Hay: “…Đất này một tấc chẳng nhường ai
Thắng luôn Đình Cả, Ngân Sơn được
Đá hãy kinh hoàng trận Võ Nhai
Lại theo Đề Thám vùng Yên Thế
Rền khắp núi sông cười thế hệ
Hạ du cũng thuộc tiếng truyền vang
Nghe đội nữ binh hồ Ba Bể
- Chiến khu thành lập giữa chon von…”

Hay: “…Đây quân du kích sao chen ánh
Giữ lá cờ sao vàng lấp lánh
Cờ như mắt mở thức thâu canh
Như lửa đốt hoài trên chót đỉnh
Sớm hôm canh giữ lấy hồn thiêng
Bay mãi trên trời treo sứ mệnh…”

Là “ông hoàng thơ tình”, Xuân Diệu ca ngợi Cách mạng Tháng Tám bằng một phong cách thơ sử thi quần chúng như truyện sử, như truyện thơ dân gian, là ca ngợi sự nghiệp của nhân dân, dân tộc, và gắn mình với sứ mệnh dưới “Ngọn quốc kỳ”.

Đó là thái độ sống, quan niệm sáng tác của văn nghệ sĩ của Xuân Diệu, của các nhà thơ lãng mạn năm 1945 và sau đó, và của tất cả văn nghệ sĩ có tâm huyết, có trách nhiệm, có tài năng.

Xuân Diệu là “nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới” chính là Xuân Diệu có tình yêu của bao la, sâu nặng với quê hương, đất nước Việt Nam. Có một chuyện thú vị, sau 1954, nhà thơ Xuân Diệu có câu thơ “Nhà tôi 24 Cột cờ...” (phố Cột cờ sau đổi thành phố Điện Biên Phủ) đường phố có cột cờ lớn luôn tung bay “ngọn quốc kỳ”.

SA NAM

Tin cùng chuyên mục