Tô Phương - Cây bút trưởng thành từ chiến trường

Nhà báo, nhà văn Tô Phương là cây bút chiến trường nổi tiếng, không chỉ là tác giả của những thiên ký sự nóng hổi thời chiến, sau khi đất nước thống nhất ông vẫn gắn bó với đề tài chiến tranh, đặc biệt là hình ảnh Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Sau một thời gian lâm trọng bệnh, ông đã qua đời sáng ngày 24-10-2012 tại quê nhà Phú Yên, hưởng thọ 75 tuổi.

Nhà báo, nhà văn Tô Phương là cây bút chiến trường nổi tiếng, không chỉ là tác giả của những thiên ký sự nóng hổi thời chiến, sau khi đất nước thống nhất ông vẫn gắn bó với đề tài chiến tranh, đặc biệt là hình ảnh Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Sau một thời gian lâm trọng bệnh, ông đã qua đời sáng ngày 24-10-2012 tại quê nhà Phú Yên, hưởng thọ 75 tuổi.

Nói đến nhà văn Tô Phương, nhiều người nghĩ ngay đến tập truyện ký Mùa hoa ô môi, tác phẩm đầu tay của ông viết về vùng đất thép Củ Chi. Bấy giờ, ông là phóng viên Báo Quân Đội Nhân Dân được phân công vào chiến trường miền Nam trước khi mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh. Về vùng địa đạo Củ Chi sống và chiến đấu cùng với đồng nghiệp Báo Quân Giải Phóng, Tô Phương cảm nhận được cuộc sống gian khổ và dũng cảm trong lòng địa đạo. Trong nỗi xúc cảm mãnh liệt, ông đã viết ký sự Củ Chi - lòng đất lòng người đăng liên tiếp 10 kỳ trên Báo Quân Đội Nhân Dân.

Mấy năm sau, trên cơ sở thiên ký sự ấy, Tô Phương viết lại thành tập truyện ký Mùa hoa ô môi đưa nhà báo Tô Phương đến với thế giới văn chương, trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Nhìn lại hai cuộc chiến tranh vệ quốc thế kỷ XX, hình ảnh người mẹ Việt Nam anh hùng đã trở thành huyền thoại, là nguồn sử thi vĩnh cửu. Hình ảnh người mẹ cũng nổi bật trên các trang văn của Tô Phương. Như mọi người, ông cũng có một người mẹ. Nhưng khác với nhiều người, ngay tại quê hương trong chiến tranh, mẹ ông bị giặc bắt và giết chết. Nỗi đau xót lớn lao ấy như ngọn lửa soi đường cho ông. “Từ hình ảnh mẹ mình, tôi nghĩ đến những người mẹ khác. Hình ảnh người mẹ thiêng liêng, cao quý là hiện thân của Tổ quốc, là niềm xúc động sâu xa trong trái tim mỗi con người. Cũng có những bà mẹ miền Bắc tiễn con ra trận, ngày đón con về là… tấm giấy báo tử! Nhìn lại các tác phẩm của mình, đúng là tôi viết rất nhiều bút ký về người mẹ bằng xương bằng thịt có thực ở ngoài đời. Đó là mẹ Rành của đất thép Củ Chi, hai lần được phong anh hùng; mẹ Nguyễn Thị Gấm, mẹ Mười Thay…” - nhà văn Tô Phương tâm sự.

Có một câu chuyện mà bậc đàn anh Tô Phương hay kể cho đồng nghiệp đi sau, rằng trong chiến tranh biên giới Tây Nam ông đã ra tận trận địa chốt. “Thấy vậy, anh em chiến sĩ kéo tôi lại nói rằng: Anh nhà báo, nhà văn ơi, anh đừng ra trận địa chốt. Ở đây nguy hiểm lắm. Chỉ chút nữa thôi là chúng tôi có thể hy sinh, khi đối đầu với giặc. Anh cần phải sống để viết lại về cuộc chiến đấu của chúng tôi cho người thân, bạn bè chúng tôi đọc…”.

Vào trưa ngày 30-4-1975, Tô Phương là tổ trưởng một mũi phóng viên Báo Quân Đội Nhân Dân đã có mặt tại dinh Độc Lập. Ngoài tổ trưởng Tô Phương, mũi phóng viên ấy còn có nhà văn Cao Tiến Lê và phóng viên nhiếp ảnh Trọng Lượng. Khi đang trên đường hành quân tiến vào Sài Gòn, nghe tin quân giải phóng đã cắm cờ trên nóc dinh Độc Lập, Tô Phương liền tách đội hình tìm Honda “ôm” và khoảng 30 phút sau ông có mặt ở trung tâm thành phố.

Ông có họ tên đầy đủ là Nguyễn Tô Phương, sinh năm 1938 tại Phú Yên. Mới 15 tuổi, đang là học sinh Trường Trung học kháng chiến Lương Văn Chánh, ông gia nhập bộ đội rồi tập kết ra Bắc, nhờ có năng khiếu được cử làm phóng viên lần lượt các báo Quân khu 4, Quân khu 3 và Quân Đội Nhân Dân. Ông có mặt ở khắp các chiến trường Lào, Campuchia, Nam bộ… và các trận địa ác liệt ở miền Bắc trong chiến tranh phá hoại của Mỹ, từng bị thương khi đang làm phóng viên chiến trường. Ông thổ lộ: “Nhờ quân đội tôi đã trở thành nhà văn. Nhờ quân đội tôi có một số tác phẩm viết về người lính và cuộc chiến đấu thần thánh của nhân dân ta”.

Đến năm 1982, Tô Phương chuyển ngành ra khỏi quân đội, nhưng vẫn tiếp tục nghề báo với cương vị Tổng biên tập Báo Phú Khánh, rồi khi tách tỉnh trở thành Tổng biên tập Báo Phú Yên.

Phan Hoàng

Tin cùng chuyên mục