Toàn bộ hành khách nhập cảnh Việt Nam phải cách ly tập trung bắt buộc

100% hành khách từ tất cả các nước trên thế giới nhập cảnh vào Việt Nam sẽ được cách ly tập trung bắt buộc 14 ngày, kể từ ngày nhập cảnh, theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Hành khách nhập cảnh tại Sân bay Nội Bài
Hành khách nhập cảnh tại Sân bay Nội Bài

Bộ Giao thông Vận tải vừa yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo các hãng hàng không thông báo đến hành khách từ tất cả các nước trên thế giới nhập cảnh vào Việt Nam sẽ được cách ly tập trung bắt buộc 14 ngày, kể từ ngày nhập cảnh, theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Việc cách ly này có hiệu lực từ 00 giờ 00 phút ngày 21-3. Các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam vì mục đích ngoại giao, công vụ thực hiện cách ly tại cơ quan ngoại giao hoặc cơ sở lưu trú dưới sự giám sát của chính quyền và cơ quan y tế.

Cục Hàng không Việt Nam phải thông báo đến tất cả các hãng hàng không quốc tế và Việt Nam do năng lực của các khu cách ly tập trung khu vực Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất rất hạn chế, nên các chuyến bay quốc tế khi đến Việt Nam sẽ phải hạ cánh tại các Cảng hàng không quốc tế: Vân Đồn, Cần Thơ, Cảng hàng không Phù Cát và các cảng hàng không khác theo yêu cầu của nhà chức trách.

Bên cạnh đó, các hãng hàng không cần chuẩn bị tờ khai y tế cho hành khách và yêu cầu khách khai báo y tế bắt buộc trước khi nhập cảnh vào Việt Nam; thực hiện kiểm tra thân nhiệt tất cả hành khách trước khi vào nhà ga; thực hiện vệ sinh, khử khuẩn máy bay theo quy định.

Cảng vụ hàng không chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan như công an xuất nhập cảnh, quân đội, hải quan, kiểm dịch y tế quốc tế… tổ chức tốt việc giải tỏa các hành khách tại các khu vực cách ly trong nhà ga, nhằm không để xảy ra tình trạng ùn ứ và chờ đợi quá lâu tại nhà ga (cố gắng không để hành khách bị giữ quá 90 phút tại nhà ga).

Hiện hành khách đến từ vùng dịch qua Cảng hàng không quốc tế Nội Bài sẽ được phân luồng và chuyển đi cách ly tập trung, thực hiện kê khai y tế và lấy mẫu xét nghiệm tại địa điểm cách ly.

Tạm dừng miễn thị thực đơn phương cho công dân Nhật Bản, Nga và Belarus

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 33/NQ-CP tạm dừng chính sách miễn thị thực đơn phương đối với công dân các nước Nhật Bản, Nga và Belarus từ 12 giờ ngày 21-3-2020. Biện pháp này nhằm tăng cường hơn nữa việc phòng, chống dịch Covid-19, ngăn ngừa sự lây lan trong cộng đồng.

Theo thông báo của Bộ Ngoại giao, tạm dừng hiệu lực Giấy miễn thị thực cấp cho công dân Belarus, Nga, Nhật Bản gốc Việt Nam và thân nhân của họ. Tuy nhiên, công dân Belarus, Nga và Nhật Bản mang hộ chiếu phổ thông vẫn được nhập cảnh Việt Nam nếu có thị thực phù hợp. Quy định trên không áp dụng cho người mang hộ chiếu ngoại giao hoặc hộ chiếu công vụ được nhập cảnh Việt Nam không cần thị thực theo các hiệp định và thỏa thuận hiện có giữa Chính phủ Việt Nam với Chính phủ Belarus, Nga và Nhật Bản. Bên cạnh đó, công dân Belarus, Nga và Nhật Bản nhập cảnh Việt Nam cần đáp ứng các yêu cầu về y tế dự phòng của Việt Nam theo quy định hiện hành.

Về vấn đề cách ly, theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, không để lây nhiễm chéo trong các cơ sở cách ly của quân đội. Xử lý nghiêm đối với những người cố tình không cách ly hoặc làm sai quy định về cách ly. Không tổ chức cơ sở cách ly dịch vụ cho người Việt Nam. Đối với các khách sạn dùng để cách ly, áp dụng cho người nước ngoài mang hộ chiếu ngoại giao, công vụ, chuyên gia thực hiện dự án vào Việt Nam, do doanh nghiệp hoặc cá nhân tự chi trả.

Từ 0 giờ ngày 21-3, thực hiện cách ly bắt buộc tất cả những người nhập cảnh. Đối với người nước ngoài có hộ chiếu ngoại giao, công vụ thì thực hiện cách ly tại nhà, cơ sở lưu trú theo hướng dẫn. Đối với người nước ngoài có hộ chiếu phổ thông thì tạm thời lưu giữ tại khu cách ly trong vòng 24 giờ và báo cáo với Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao để thống nhất biện pháp cách ly phù hợp.

Về xét nghiệm, Ban Chỉ đạo giao Bộ Quốc phòng mua 10 xe xét nghiệm lưu động phục vụ xét nghiệm tại cộng đồng. Bộ Y tế lên phương án tổ chức xét nghiệm quy mô rộng. Thực hiện xét nghiệm với tất cả các trường hợp trước khi hết cách ly. Đối với các trường hợp theo dõi tại bệnh viện, sau khi có kết quả âm tính 2 lần trong vòng 3 ngày thì chuyển sang cách ly, theo dõi tại cơ sở y tế. Triển khai nhiều phương pháp xét nghiệm nhanh khác nhau để sàng lọc. Giao Bộ Y tế mua thêm khẩu trang y tế, trang thiết bị y tế đảm bảo phương án ứng phó trong trường hợp có 10.000 người mắc. Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các hãng hàng không của Việt Nam bố trí các chuyến bay để hỗ trợ đưa người nước ngoài về nước, kể cả trong trường hợp chuyến bay về máy bay không chở người. Sẵn sàng máy bay chở người Việt Nam về nước nhưng phải sắp xếp lịch bay, đăng ký vé kết hợp với khai báo y tế điện tử trước 36 giờ để trong nước chủ động chuẩn bị sẵn sàng tình huống đón tiếp, không để ùn tắc ở sân bay.

Ban Chỉ đạo đề nghị Bộ Y tế, Bộ Công an và các cơ quan chức năng liên quan kiểm tra xử lý nghiêm, không có vùng cấm đối với bất cứ ai, bất cứ công ty nào găm hàng, đội giá khẩu trang y tế, trang thiết bị y tế, máy xét nghiệm… Bộ Giáo dục-Đào tạo chủ động công bố sớm lịch học và lịch thi THPT quốc gia, việc giáo dục từ xa bảo đảm chất lượng đào tạo. Bộ Y tế huy động những cán bộ y tế tư nhân, đã nghỉ hưu tham gia khám chữa bệnh và phòng chống dịch.

Cũng theo Ban chỉ đạo, người Việt Nam về nước khoảng 300.000 người, trong đó có khoảng 100.000 người về từ các nước có người nhiễm cao, khi về đã tiếp xúc với người nhiễm nên nguy cơ dịch bùng phát với số lượng lớn người mắc có thể xảy ra. Hiện nay, trong số bệnh nhân đang điều trị có một số bệnh nhân nặng và rất nặng nên nguy cơ dẫn đến bệnh nhân tử vong cao.

Ban chỉ đạo đề nghị từ 21-3, áp dụng tạm dừng cấp thị thực hoặc xét duyệt cấp lại đối với các nước và vùng lãnh thổ còn lại (Úc, Nhật Bản, Đan Mạch, Đài Loan..); trừ trường hợp đặc biệt công vụ, ngoại giao, khi vào Việt Nam phải thực hiện cách ly tập trung theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Tin cùng chuyên mục