Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 6,3%/năm trong giai đoạn 2021-2025

Covid-19 chỉ là một sự đứt đoạn trong tăng trưởng hay đã và đang bào mòn các động lực tăng trưởng của giai đoạn tới? Những giải pháp nào Chính phủ và doanh nghiệp cần phải chú ý thực hiện nhằm phục hồi nền kinh tế và bứt phá trong thời gian tới? Đó là những vấn đề được bàn thảo tại cuộc hội thảo Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hiệp quốc (UNDP) đồng tổ chức.

 

 

Theo nghiên cứu công bố tại Hội thảo, những năm tiếp theo của giai đoạn 2021-2025, kinh tế Việt Nam có thể chưa thể thực sự bứt phá
Theo nghiên cứu công bố tại Hội thảo, những năm tiếp theo của giai đoạn 2021-2025, kinh tế Việt Nam có thể chưa thể thực sự bứt phá

“Kinh tế Việt Nam trong trung hạn 2021-2025: Phục hồi và tăng tốc” là cuộc hội thảo do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) đồng tổ chức diễn ra tại Hà Nội sáng nay, 20-1, với sự hiện diện của đại diện các cơ quan Chính phủ, các tổ chức quốc tế, đại sứ quán các nước và chuyên gia từ các viện nghiên cứu, các trường đại học.

Tại cuộc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhấn mạnh, những biện pháp kịp thời và hiệu quả trong việc ngăn chặn sự lây lan của Covid -19 đã giúp Việt Nam giữ được ổn định kinh tế vĩ mô. Song, như hầu hết các nước trên thế giới, nền kinh tế Việt Nam đã bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi Covid-19, dẫn đến việc mục tiêu tăng trưởng giai đoạn 2016-2020 không hoàn thành.

“Những ảnh hưởng nghiêm trọng của Covid-19, không chỉ về kinh tế vĩ mô mà còn đối với cộng đồng doanh nghiệp và hộ gia đình. Các doanh nghiệp trong hầu hết các lĩnh vực đều bị ảnh hưởng và đang phải vật lộn để tồn tại. Hai đợt khảo sát diện rộng với trên 130 nghìn doanh nghiệp của Tổng cục Thống kê (tháng 4 và tháng 9-2020) đều cho thấy có tới trên 83% số doanh nghiệp khẳng định bị ảnh hưởng tiêu cực. Tương tự, các cá nhân, hộ gia đình, các nhóm người đặc biệt dễ bị tổn thương đang bị tác động mặc dù gói hỗ trợ của Chính phủ đã được cung cấp đến họ từ rất sớm”, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.

Mặc dù vậy, Covid-19 cũng hình thành hoặc đẩy nhanh nhiều xu hướng mới, định hình lại các dòng tài chính quốc tế, thương mại và đầu tư, đặc biệt là chuyển dịch chuỗi cung ứng, tạo ra nhiều thách thức và cả cơ hội phục hồi kinh tế trong dài hạn.

Theo nhóm nghiên cứu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, những năm tiếp theo của giai đoạn 2021-2025, kinh tế Việt Nam có thể chưa thể thực sự bứt phá, bởi nhiều khó khăn nội tại chưa được giải quyết dứt điểm, thậm chí có xu hướng trầm trọng hơn sau thời gian đại dịch Covid-19. Trên cơ sở phân tích, đánh giá các yếu tố tác động và những điều chỉnh trong trung hạn 2021-2025, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (NCIF) cập nhật dự báo tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2025 sẽ theo hai kịch bản.

Ở kịch bản cơ sở, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 6,3%/năm trong giai đoạn 2021-2025. Kịch bản này diễn ra với giả định các nguy cơ về dịch Covid-19 vẫn thường trực, những giải pháp trợ giúp nền kinh tế của Chính phủ mang lại hiệu hiệu quả ở mức vừa phải trong khi bối cảnh quốc tế vẫn trong tình trạng rủi ro, bất ổn kéo dài; kinh tế và thương mại tăng trưởng chậm.

Trong kịch bản khả quan hơn, tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình 2021-2025 có thể đạt gần 6,8%/năm, nền kinh tế mặc dù có điều chỉnh giảm nhẹ sau mức tăng trưởng cao năm 2021, nhưng sau đó sẽ hồi phục ổn định.

Như vậy, kết quả dự báo tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2021-2025 theo phương án dự báo mới nhất (tháng 12-2020) cập nhật tác động của đại dịch Covid-19 và sự thay đổi của bối cảnh trong nước và quốc tế, đã giảm khoảng 0,7% so với dự báo trước đây, trong đó, tăng trưởng giảm thấp hơn chủ yếu ở các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.

Trên cơ sở đó, các chuyên gia NCIF đề nghị trong ngắn hạn, tiếp tục thúc đẩy triển khai các dự án đầu tư công. Trong đó, tập trung cho các dự án lớn, dự án ưu tiên có khả năng lan tỏa lớn; các dự án chuyển đổi số quốc gia và các dự án “đầu tư không hối tiếc” nhằm phòng, chống và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và thảm họa thiện nhiên. Nghiên cứu xây dựng các quy trình ứng phó một cách tự động cho các trường hợp khẩn cấp với các ngưỡng định tính và định lượng để có thể “kích hoạt”, triển khai ngay khi có khủng hoảng, đại dịch.

Trước mắt, trong năm 2021 cần tận dụng cơ hội để để tái cơ cấu một số lĩnh vực cốt lõi như du lịch, logistic, chuyển đổi số và thương mại điện tử, thương mại trong nước; đồng thời tạo dựng nền tảng vững chắc cho phát triển thương mại điện tử, với ba yếu tố có tính chất quyết định: logistics, e-payment (thanh toán điện tử) và an ninh mạng.

Tin cùng chuyên mục