
Tối ngày 28-10, tại Nhà hát thành phố (TPHCM), Hiệp hội Dệt May Việt Nam và Thời báo Kinh tế Sài Gòn đã tổ chức lễ trao giải cho 28 doanh nghiệp dệt may tiêu biểu cả nước năm 2005.

Chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Hải (phải) trao bằng cho Công ty may Việt Tiến, đơn vị đoạt giải Doanh nghiệp tiêu biểu nhất ngành dệt may Việt Nam năm 2005.Ảnh: THÀNH TÂM
So với giải lần trước chỉ có 18 doanh nghiệp với 19 giải thưởng thì lần này có tới 28 doanh nghiệp và 43 giải thưởng. Ban tổ chức đánh giá, sự gia tăng này không làm giảm giá trị của cuộc bình chọn mà là sự cố gắng không bỏ sót những nỗ lực của doanh nghiệp, và cũng chính là kết quả vươn lên để hoàn thiện mình trong quá trình hội nhập với kinh tế khu vực của các doanh nghiệp dệt may.
Những tên tuổi dệt may quen thuộc như Việt Tiến, Phong Phú, Hà Nội, Phương Đông, Nhà Bè… vẫn đứng ở “top” đầu. Việt Tiến đoạt nhiều danh hiệu, trong đó danh hiệu cao nhất là doanh nghiệp tiêu biểu nhất của ngành dệt may. Dệt Phong Phú tiếp tục tỏa sáng với các giải thưởng là doanh nghiệp nhà nước chiếm thị trường nội địa tốt nhất.
Hầu hết các doanh nghiệp lãnh giải lần này đều có tốc độ tăng trưởng sản xuất kinh doanh cao. Ngoài những doanh nghiệp như May Việt Tiến, Dệt Hà Nội, Dệt Phong Phú, Scavi Việt Nam, Len Sài Gòn, May Đồng Tiến… một số công ty khác có mức tăng trên 50% như Công ty Thời trang Việt, May Nhà Bè, Dệt 10/10, Dệt May Hòa Thọ, Sài Gòn 3… Và đây là những doanh nghiệp đã nỗ lực đẩy mạnh xuất khẩu, chiếm lĩnh thị trường nội địa, xây dựng và quảng bá thương hiệu, áp dụng công nghệ cao trong quản lý nghiệp vụ và điều hành sản xuất, xây dựng mối quan hệ lao động tốt…
Chúc mừng các doanh nghiệp dệt may được trao giải thưởng lần này, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Hải vui mừng trước những nỗ lực của doanh nghiệp trong điều kiện cạnh tranh ngày một quyết liệt nhưng vẫn vững vàng trên thị trường. Chủ tịch cho rằng, các doanh nghiệp ngành dệt may cần nỗ lực hơn nữa để tạo nên sức phát triển mới mạnh mẽ và bền vững.
Ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Hội Dệt May Việt Nam đánh giá, tuy ngành dệt may Việt Nam có lợi thế về nguồn lao động khá tốt nhưng yếu kém về nguồn nguyên liệu cũng như trình độ công nghệ và quản lý so với các nước trong khu vực vì thế cần có nhiều nỗ lực lớn trong những năm tới. Đó là mục tiêu phát triển ngành để đến năm 2010 ngành dệt may Việt Nam có khả năng lọt vào top 10 nước xuất khẩu hàng dệt may lớn nhất thế giới.
VĂN MINH HOA