Luật kê khai tài sản các quan chức bắt đầu có hiệu lực tại Nga từ ngày 1-1-2013. Đây được xem là quyết tâm mới của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc chiến chống tham nhũng trong bối cảnh nạn tham nhũng tại Nga đang gia tăng.
Kiểm soát tài sản cá nhân
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký ban hành hàng loạt các dự luật kiểm soát chi tiêu cá nhân của các quan chức chính phủ. Theo luật mới, các quan chức khi mua đất hoặc các loại bất động sản khác cũng như xe, chứng khoán, cổ phần, cổ phiếu phải khai báo nguồn gốc thu nhập trong 3 năm của bản thân và vợ hay chồng. Trường hợp số tiền vượt quá mức thu nhập phải khai báo nguồn gốc. Ngoài ra, các quan chức còn phải khai báo các khoản chi tiêu riêng của họ, của vợ hoặc chồng và con cái tuổi vị thành niên. Nếu không giải thích được các khoản tiền không có xuất xứ rõ ràng, quan chức ấy sẽ bị sa thải và bị tịch thu tài sản. Luật mới này không cho phép trả tiền phạt nếu như không thể chứng minh tính hợp pháp của tài sản. Hình phạt bao gồm quản thúc tại gia, tham gia lao động công ích hoặc nặng hơn có thể bị truy tố.
Các quy định mới sẽ có hiệu lực vào ngày 1-1-2013 nhưng áp dụng cho cả các giao dịch xảy ra năm 2012. Khi nộp hồ sơ khai thuế trong tháng 4-2013, các quan chức sẽ phải khai báo không chỉ thu nhập năm 2012 của họ, như thường lệ mà còn kê khai chi phí của họ trong thời gian đó. Luật mới sẽ áp dụng cho các đại biểu quốc hội, các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ và các quan chức chính phủ và khu vực, thành phố trực thuộc trung ương, cũng như nhân viên của Ngân hàng Trung ương và Quỹ hưu trí. Luật này cũng áp dụng đối với ban lãnh đạo các tập đoàn, công ty có vốn nhà nước.
Dư luận ủng hộ mạnh mẽ
Theo ông Vladimir Vasilyev, Phó Chủ tịch Duma quốc gia Nga, lãnh đạo đảng nước Nga Thống nhất cầm quyền tại Duma, luật mới sẽ ảnh hưởng đến gần 10 triệu người. Đại diện của chính phủ tại tòa án liên bang, ông Mikhail Barshchevsky, ước tính rằng, để kiểm soát chi tiêu của 10 triệu quan chức, chính phủ sẽ cần phải thiết lập một bộ phận đặc biệt với đội ngũ nhân viên ít nhất 300.000 người. Vì vậy, theo ông, để giảm bớt số người thi hành luật, số lượng cán bộ nằm trong diện kê khai chi tiêu theo luật mới nên giảm xuống còn 100.000 người, cụ thể chỉ nên áp dụng cho bộ trưởng, thống đốc, trưởng công an, chánh án tòa án và các công tố viên.
Ông Barshchevsky nói: “Nếu một thống đốc và một phó thống đốc không tham nhũng, họ sẽ không để cho các giám đốc sở tham ô. Họ sẽ không cho phép cấp dưới của họ được trộm cắp, sống cuộc sống xa hoa hơn so với họ”. Chủ tịch Tòa án Tối cao Liên bang Nga, Anton Ivanov, đề nghị sớm hay muộn, Nga sẽ phải thực hiện kiểm soát chi tiêu của tất cả các công dân của mình. Đến lúc đó sẽ không thể che giấu tiền hoặc tài sản.
Một cuộc thăm dò dư luận từ tháng 9-2012 cho thấy 63% người dân Nga ủng hộ lệnh cấm quan chức Nga có tài sản ở nước ngoài, kể cả bất động sản, cổ phiếu và tài khoản ngân hàng. Dự luật cứng rắn này đang được Quốc hội Nga xem xét. Bên cạnh đó, Viện kiểm sát tối cao Nga cũng đang soạn thảo dự luật cấm mọi hình thức hối lộ, cả hối lộ về vật chất lẫn phi vật chất kiểu dịch vụ như những chuyến đi du lịch hay du lịch kết hợp hội thảo, kể cả dịch vụ tình dục… Nếu được thông qua, đây được cho là thêm một quả đấm thép vào các quan chức tham nhũng mà dân Nga gọi là nhũng kẻ vô đạo đức ngồi đếm tiền của nhân dân.
Khánh Minh (tổng hợp)