*Số doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng 40,5%
(SGGPO). – Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) tại phiên họp thường kỳ tháng 4 của Chính phủ đang diễn ra, tình hình thu chi ngân sách hiện nay rất căng thẳng.
Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng 40,5%
Cụ thể, trong 4 tháng đầu năm, có 34.721 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 248.244 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước, số doanh nghiệp tăng 22,9% (cùng kỳ tăng 9,7%), số vốn đăng ký tăng 52,8% (cùng kỳ tăng 13,3%). Vốn đăng ký bình quân 1 doanh nghiệp đạt 7,1 tỷ đồng, tăng 24,2% so với cùng kỳ. Có 11.311 doanh nghiệp trước đây gặp khó khăn phải tạm ngừng hoạt động nay quay lại hoạt động, tăng 79,4% so với cùng kỳ năm trước.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch - Đầu tư tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ, tình hình thu chi ngân sách hiện nay rất căng thẳng
Cũng theo Bộ KH - ĐT, có 9.450 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 40,5% so với cùng kỳ năm trước. Có 15.685 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động (không đăng ký hoặc chờ giải thể), tăng 27,4% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, trên 92% là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ (vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng). Có 3.759 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước.
Bộ KH-ĐT nhận định, hoạt động doanh nghiệp còn nhiều khó khăn. Việc tiếp cận các chính sách phát triển, các yếu tố đầu tư kinh doanh, như mặt bằng sản xuất, kinh doanh, vốn vay từ các tổ chức tín dụng, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa…. Số doanh nghiệp ngừng hoạt động, phá sản tăng cao hơn cùng kỳ năm trước.
Tại phiên họp lần này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan và chủ tịch UBND các địa phương chịu trách nhiệm trực tiếp trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng, thực hiện kế hoạch, lộ trình cụ thể triển khai ngay Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bức xúc; đơn giản và công khai thủ tục hành chính; loại bỏ giấy phép con không phù hợp; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, khuyến khích khởi nghiệp, phát huy tự do sáng tạo, huy động mọi nguồn lực cho phát triển theo tinh thần của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp mới...Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ KH-ĐT, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) theo dõi, kiểm tra việc thực hiện tháo gỡ vướng mắc, khó khăn theo kiến nghị của doanh nghiệp nêu tại hội nghị giữa Thủ tướng với doanh nghiệp ngày 29-4 vừa qua, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh quan điểm “Chính phủ tôn vinh doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp phát triển; đưa năm 2016 là năm khởi nghiệp của mọi thành phần, tầng lớp nhân dân; bảo vệ quyền tài sản, quyền kinh doanh của nhân dân; tạo niềm tin thị trường mạnh mẽ hơn”.
Cũng tại phiên họp lần này, Chính phủ thảo luận dự thảo Nghị quyết về hỗ trợ doanh nghiệp trở thành động lực phát triển kinh tế…
Chi thường xuyên chiếm tới khoảng 65%
Một thông tin đáng chú ý khác là về vấn đề thu - chi ngân sách nhà nước (NSNN). Bộ KH-ĐT cho biết, lũy kế từ đầu năm đến ngày 15-4, tổng thu NSNN ước đạt 254,35 nghìn tỷ đồng, bằng 25,1% dự toán (cùng kỳ bằng 28,8%). Trong đó thu nội địa bằng 26,7% dự toán (cùng kỳ bằng 30,8%); thu từ dầu thô bằng 20,1% dự toán (cùng kỳ bằng 21,5%); thu từ hoạt động xuất nhập khẩu bằng 19,7% dự toán (cùng kỳ bằng 25,4%).
Tiến độ thu của 3 lĩnh vực chủ yếu là thu nội địa, thu từ dầu thô và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đều đạt thấp so với cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu là do giá dầu thô và các sản phẩm hóa dầu xuất khẩu giảm mạnh đã tác động làm giảm số thu NSNN từ dầu thô và từ hoạt động xuất nhập khẩu . Đồng thời, kim ngạch một số mặt hàng nhập khẩu chủ yếu những tháng đầu năm đạt thấp, nguồn thu NSNN từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm. Tiến độ thu nội địa đạt thấp chủ yếu do giảm thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước do tác động của giá dầu, khí giảm. Đồng thời, số thu từ cổ tức và lợi nhuận còn lại phát sinh thấp (13,2% dự toán) và chưa thu vào ngân sách tiền bán cổ phần tại một số doanh nghiệp cổ phần hóa .
Về chi NSNN, lũy kế từ đầu năm đến ngày 15-4, tổng chi NSNN ước đạt 318,2 nghìn tỷ đồng, bằng 25% dự toán năm. Trong đó chi đầu tư phát triển bằng 21,1% dự toán; chi trả nợ và viện trợ bằng 27,2% dự toán; chi thường xuyên bằng 27% dự toán. Để hỗ trợ khắc phục hậu quả hạn hán và xâm nhập mặn vụ Đông Xuân năm 2015-2016, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chi từ dự phòng ngân sách Trung ương với tổng số tiền 2 đợt là 1.104,1 tỷ đồng.
Bộ KH-ĐT nhận định, việc cân đối và huy động vốn đầu tư công gặp nhiều khó khăn, nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi sẽ giảm sút. Trong cân đối NSNN, nhu cầu chi phát triển kinh tế - xã hội, nhất là chi thường xuyên tiếp tục tăng cao, với tỷ trọng khoảng 50% tổng chi trước đây, nay đã tăng lên khoảng 65%. Chi đầu tư phát triển bị giảm từ 30% tổng chi, xuống còn 17%. Với khả năng thu hiện nay, tổng thu NSNN không đủ để chi thường xuyên và trả nợ. Toàn bộ chi đầu tư đều phải dựa vào nguồn bội chi, vốn vay của Chính phủ. Trong khi đó, nguồn ODA sẽ giảm dần, thay vào đó là các khoản vốn vay với mức ưu đãi thấp hơn, thời hạn vay ngắn và lãi suất cao hơn. Nguồn vay trong nước cũng rất khó khăn. Việc phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu kho bạc chủ yếu dựa vào các tổ chức tài chính của nhà nước, như: các ngân hàng thương mại, bảo hiểm xã hội… cũng đạt kết quả rất thấp.
Từ thực tế này, Bộ KH-ĐT kiến nghị, đối với cân đối thu chi NSNN cần tiếp tục tăng cường các biện pháp thu đúng, thu đủ, chống thất thu, phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại, trốn thuế. Quản lý chặt chẽ tài sản công. Xây dựng kế hoạch và triển khai tổng rà soát số lượng và việc sử dụng tài sản công của các cơ quan, đơn vị để bảo đảm sử dụng có hiệu quả. Kiểm soát chi tiêu, tiết kiệm, hiệu quả, bảo đảm cân đối thu chi NSNN theo dự toán được duyệt. Dự phòng ngân sách nhà nước và các nguồn bổ sung (nếu có) tập trung cho việc khắc phục hậu quả hạn hán, xâm nhập mặn, khắc phục ô nhiễm môi trường biển tại các tỉnh có cá chết hàng loạt và nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Hạn chế tối đa sử dụng dự phòng cho các mục tiêu khác.
PHAN THẢO