Tại Đức, các trường đã mở cửa trở lại từ tháng 5, nhưng tùy bang và tiểu bang. Khoảng 4 tuần nữa sẽ kết thúc năm học, trường chỉ chú trọng dạy môn cơ bản, bỏ các giờ thể dục thể thao. Trẻ đi học phải đeo khẩu trang, cha mẹ hầu như ngày nào cũng phải ký vào giấy xác nhận con khỏe mạnh, không bị tiêu chảy và sốt.
Pieter, con trai lớn của chị Hiền, đang học Trường Christianweiser Gymnasium thuộc vùng Zittau. Lớp cuối cấp có khoảng 100 học sinh đã chuẩn bị chương trình bế giảng rất công phu. Riêng Pieter học đàn clavia suốt 5 năm qua, dự kiến chơi hai bản nhạc đặc biệt cho lễ tốt nghiệp ngày 4-7-2020. Nhưng Pieter vừa thông báo với mẹ rằng trường quyết định hủy tổ chức lễ tốt nghiệp rồi. Quy định hiện tại cho phép tụ tập không quá 50 người và phải đảm bảo giãn cách xã hội 1,5m. Zittau là làng nhỏ, không dễ tìm được hội trường to để tổ chức lễ tốt nghiệp lớn cho các con. Vì sức khỏe chung, đành vậy. Chị Hiền dự định làm bữa tiệc gia đình nhỏ chúc mừng con. Con có thể mời một vài bạn thân dự. Và quan trọng nhất là chúc Pieter có kết quả thi tốt vào ĐH chuyên về chế tạo máy móc ngay tại Zittau.
Ở châu Âu, lễ tốt nghiệp trung học (tương đương lớp 12) được coi trọng và tổ chức lớn hơn cả lễ tốt nghiệp đại học. Bởi không phải học sinh nào cũng đủ sức hoặc muốn lên tiếp đại học. Tháng 9 tới, các em sẽ thực sự chia tay nhau, người học tiếp, người vào thẳng thị trường lao động. Cùng lứa tuổi với Pieter, nhưng Minh Quang học Trường Bladin International School ở thành phố Malmö (Thụy Điển) đã có lễ tốt nghiệp trung học vui vẻ, ấm áp, xúc động trong phạm vi nhỏ ngày 5-6 vừa qua.
Thụy Điển cũng đóng cửa các trường trung học, đại học trong 3 tháng cao điểm dịch Covid-19 hoành hành tại châu Âu và hủy các kỳ thi quốc gia. Riêng khối mẫu giáo, tiểu học vẫn đi học bình thường. Tháng 6 hàng năm là mùa người Thụy Điển tổ chức lễ tốt nghiệp tưng bừng cho học sinh. Student kostym được các cửa hàng bày bán sẵn, giá khoảng 250 USD/bộ. Đây là kiểu đồng phục chuyên cho lễ tốt nghiệp trung học với 3 màu chủ đạo xanh, vàng và trắng - cũng là màu cờ Thụy Điển.
Chị Trần Kim Oanh, mẹ của Minh Quang, kể: “Nếu không có Covid-19, các gia đình còn tổ chức sự kiện tốt nghiệp lớp 12 của con to như tiệc cưới. Họ mời nhiều khách dự, bắn pháo hoa tưng bừng, coi như lễ trưởng thành của con. Nhưng năm nay, các hoạt động này đều phải hỏi ý kiến thành phố. Nhà trường phải làm đúng luật. Quy định cấm tụ tập quá 50 người nên trường tổ chức tốt nghiệp trong phạm vi lớp thôi. Lớp Minh Quang chỉ có 15 học sinh, hôm tốt nghiệp 3 em bị ốm cũng không được đến dự. Các thầy cô dùng khuỷu tay chạm vào nhau thay cho việc ôm hôn chúc mừng. Lễ diễn ra quy mô nhỏ nhưng các con rất vui vì không khí long trọng”.
Đối với nhiều người gốc Việt ở châu Âu, sống sót qua đại dịch đã là phúc lớn. Bởi vậy, có hay không có lễ tốt nghiệp, quy mô lớn hay nhỏ, niềm hạnh phúc nhất của những người mẹ lúc này vẫn là được nhìn thấy con bước sang trang mới của cuộc đời.