
Trong năm 2007, tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn TPHCM lên đến hơn 60.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, các dự án thì luôn… chậm tiến độ. Có dự án dù đã trải qua trên 100 loại giấy tờ vẫn chưa xong thủ tục; có dự án sau hơn 10 năm vẫn chưa xong hạ tầng… TP làm gì để chống nạn lãng phí này?
Giải ngân chậm: vốn đầu tư tăng gấp đôi!
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), TP có đến 85% dự án chậm tiến độ. Trong đó, hàng loạt dự án kéo dài từ năm này qua năm khác, mà đa phần là do… giải tỏa chậm.

Dự án đại lộ Đông Tây TPHCM đang được xây dựng từ nguồn vốn ODA. Trong ảnh: Trên công trường xây dựng hầm Thủ Thiêm phía quận 1. Ảnh: ĐỨC THÀNH
Tại cuộc họp công tác 11 tháng của năm 2007, Giám đốc Sở Giao thông Công chính báo cáo lượng vốn giải ngân các dự án ODA rất khả quan, đến 76%. Thế nhưng, khi hỏi kỹ tiến độ các dự án, ông trả lời điệp khúc cũ: “Chậm tiến độ do vướng giải phóng mặt bằng!”.
Về chuyện vướng thủ tục, nổi tiếng là dự án khu tái định cảng sông Phú Định (quận 8), mất 2 năm làm thủ tục với hơn 100 văn bản giấy tờ vẫn chưa xong.
Ngay các dự án xây dựng lại các chung cư sắp sập ở quận 10, lãnh đạo quận luôn kêu ca là vướng thủ tục, thủ tục mỗi dự án “ngốn” hết 2 năm…
Tương tự, nhiều dự án đường sá như đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Văn Cừ… lần nào họp những người có trách nhiệm cũng kêu vướng. Nhưng vướng ở chỗ nào, do ai, thì không chỉ ra được hoặc không dám chỉ rõ. Đó là bệnh mà Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài gọi là “bệnh nể nang nhau”.
Trong khi đó, nếu dự án chậm tiến độ mà giá vật liệu leo thang thì sẽ tăng chi phí phát sinh so với dự toán, dẫn đến phải điều chỉnh lại dự án. Cụ thể, Sở KH-ĐT đã nhận hồ sơ 60 dự án điều chỉnh do phát sinh và chính sở cũng đề xuất điều chỉnh gần 70 dự án. Tính sơ 11 dự án chậm tiến độ mà Ban Kinh tế Ngân sách HĐND TP đã khảo sát thì vốn đầu tư tăng lên gấp đôi, từ hơn 2.888 tỷ lên hơn 5.500 tỷ đồng!
Bệnh cũ tái phát - giải pháp nào?
Theo số liệu của UBND TP, nguồn vốn ngân sách mà TP chi cho đầu tư xây dựng và làm vốn đối ứng cho các dự án ODA trong năm 2007 đã lên đến 13.253 tỷ đồng, tăng gần 1/4 so với năm 2006. Tuy nhiên, cả 3 quý chỉ giải ngân được 50% và đến nay, còn 1 tháng nữa là hết năm nhưng mới giải ngân được 70%. Số còn lại chủ yếu là vốn vay. Nếu tính lãi suất, với mức 10%/năm thì lãng phí rất lớn.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Nguyễn Thành Tài, trước tình trạng trên, thời gian gần đây TP đã thường xuyên điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản, cụ thể đã cắt giảm 60 tỷ đồng đối với 4 dự án không có khả năng giải ngân hết số vốn đã giao để bổ sung cho các dự án khác; giám sát 36 dự án, tạm ngưng thực hiện 2 dự án với tổng vốn đầu tư trên 43 tỷ đồng. TP còn đình chỉ hoạt động 5 cá nhân, 10 đơn vị tư vấn và nhà thầu vi phạm các quy định về quản lý dự án đầu tư xây dựng, đồng thời cấm các đơn vị này thực hiện các dự án sử dụng vốn ngân sách trên địa bàn TP từ 1 đến 2 năm…
Mới đây, Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân đã chỉ đạo, nhiệm vụ từ đây đến cuối năm của TP là phải đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng cho các dự án được cấp phép đầu tư. Chủ tịch UBND TP cũng đã giao Sở KH-ĐT chủ trì theo dõi các dự án và quy định cụ thể thời gian, trách nhiệm phối hợp trong việc tiến hành các hồ sơ thủ tục. Nếu sở ngành, quận huyện nào được hỏi ý kiến mà trong vòng 7 ngày không trả lời thì coi như đồng ý và chịu trách nhiệm về việc không trả lời.
Đồng thời, ông nhấn mạnh, các quận huyện, sở ngành phải rà soát, lên danh sách các dự án đầu tư trong và ngoài nước trên địa bàn chậm triển khai. Nếu cần, kiên quyết thu hồi để tạo quỹ đất cho các nhà đầu tư mới, có năng lực.
HÀN NI