TPHCM áp dụng nhiều chính sách ưu đãi để thu hút nhà đầu tư Ấn Độ

Ngày 21-11, tại Diễn đàn Doanh nghiệp Ấn Độ - TPHCM, Việt Nam năm 2023 do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tổ chức, bà Hồ Thị Quyên, Phó Giám đốc ITPC khẳng định, TPHCM sẽ áp dụng nhiều chính sách ưu đãi đầu tư để giữ chân nhà đầu tư Ấn Độ.

Theo đó, thành phố áp dụng 4 hình thức ưu đãi chính cho nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể, một là thực hiện miễn, giảm thuế 10% trong thời hạn 15 năm, hoặc không quá 30 năm. Hai là đối với hàng hóa nhập khẩu, thực hiện miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp để tạo tài sản cố định; nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất. Ba là thành phố sẽ miễn giảm tiền thuê trong thời gian xây dựng cơ bản trong vòng 3 năm, đồng thời miễn sau thời gian xây dựng từ 15 năm đến 19 năm tùy từng loại dự án. Và bốn là ưu đãi khấu hao nhanh, tăng mức chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế. Trong đó, thời gian trích khấu hao tài sản cố định từ 5 đến 20 năm với phương pháp tính khấu hao theo đường thẳng.

Ông Madan Mohan Sethi, Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ phát biểu tại diễn đàn

Ông Madan Mohan Sethi, Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ phát biểu tại diễn đàn

Nhìn nhận về vấn đề này, ông Madan Mohan Sethi, Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ cho biết, Ấn Độ đang có hơn 400 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký khoảng hơn 1 tỷ USD, đứng thứ 26 trong tổng số 141 các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Việt Nam và Ấn Độ đã ký kết Hiệp định thương mại song phương nên hai bên còn rất nhiều tiềm năng và dư địa để phát triển với thị trường xuất nhập khẩu.

Hiện Ấn Độ trở thành đối tác thương mại đứng thứ 8 của Việt Nam. Tổng giá trị thương mại hai chiều của hai nước đã đạt hơn 15 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu Việt Nam sang Ấn Độ đạt hơn 8 tỷ USD. Cũng theo ông Madan Mohan Sethi, những cơ chế, chính sách mới của TPHCM thực sự hấp dẫn nhà đầu tư ngoại.

Nhiều doanh nghiệp Ấn Độ đang tìm hiểu chính sách ưu đãi đầu tư tại TPHCM

Nhiều doanh nghiệp Ấn Độ đang tìm hiểu chính sách ưu đãi đầu tư tại TPHCM

TPHCM được đánh giá có thị trường rất lớn cũng như cơ hội rộng mở cho các nhà đầu tư. Theo đó, TPHCM có 400.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có gần 15.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Về quy mô thị trường, đây cũng là thị trường tiêu thụ sản phẩm lớn nhất nước với quy mô dân số hơn 10 triệu người, thu nhập bình quân đầu người năm 2022 hơn 6.700 USD/năm, cao gấp gần 1,6 lần so với thu nhập bình quân cả nước. Con số này sẽ được nâng lên 14.500 USD/năm vào năm 2030.

Không dừng lại đó, trung bình mỗi năm thành phố còn đón tiếp hơn 9 triệu du khách quốc tế, chiếm gần 50% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam và hơn 32 triệu lượt khách du lịch nội địa, chiếm gần 1/3 lượng khách du lịch nội địa của cả nước.

Bà Hồ Thị Quyên nhấn mạnh thêm, hiện với Nghị quyết số 98 vừa được Quốc hội thông qua về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, trong thời gian tới, TPHCM tập trung ưu tiên thu hút những dự án đầu tư xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D); đầu tư nghiên cứu và hỗ trợ chuyển giao công nghệ cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa, công nghệ vật liệu mới, năng lượng sạch có quy mô vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên.

Riêng với lĩnh vực công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, công nghệ thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE), chip, pin công nghệ mới, vật liệu mới, công nghiệp năng lượng sạch... sẽ ưu tiên cho những dự án có quy mô vốn đầu tư từ 30.000 tỷ đồng trở lên. Thành phố cũng ưu tiên thu hút đầu tư dự án xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ theo quy hoạch có quy mô vốn đầu tư từ 50.000 tỷ đồng trở lên.

Tin cùng chuyên mục