TPHCM cần áp dụng những biện pháp gì để ngăn ngừa dịch tiêu chảy cấp và bệnh tả? Xử lý thế nào đối với tình trạng các chuyến tàu hỏa từ các tỉnh phía Bắc vào TPHCM xả phân hành khách xuống các đường ray và tại các nhà vệ sinh ở ga Hòa Hưng? Lực lượng y tế dự phòng, hóa chất, vaccine có đủ đối phó nếu dịch bùng phát? Đó là những vấn đề được đặt ra tại buổi họp khẩn giữa Sở Y tế TPHCM và lực lượng y tế 24 quận, huyện chiều 11-4.
Bác sĩ Lê Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế, đã thông tin thêm về các giải pháp xử lý đối với khu vực có bệnh nhân đầu tiên nhiễm khuẩn tả. Hôm qua, Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) TP tiếp tục lấy mẫu toàn bộ nước giếng khoan trên khu vực khu phố 2 phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức và cho khử khuẩn toàn bộ giếng khoan. Mặc dù các mẫu nước cống quanh khu vực phát sinh ca nhiễm khuẩn tả cho kết quả âm tính, nhưng BS Giang cho biết tiếp tục lấy mẫu kiểm nghiệm lần nữa và thả thuốc khử trùng dọc theo các đường cống.
Tại cuộc họp, nhiều ý kiến băn khoăn về khả năng nguồn lây bệnh tả khó được kiểm soát triệt để. Đó là tình trạng phân của hành khách đi tàu hỏa từ các tỉnh phía Bắc vào TPHCM xả thẳng xuống các đường ray và tại các nhà vệ sinh ở ga Hòa Hưng được xử lý thế nào? BS Lê Trường Giang cho biết ngành y tế đang có kế hoạch giải quyết. Cụ thể, Sở Y tế đề nghị ngành đường sắt khóa tất cả các nhà vệ sinh trên xe lửa khi vào địa phận TPHCM. Thứ hai là đã chỉ đạo TTYTDP quận 3 phối hợp với ga Hòa Hưng khử trùng ngay các nhà vệ sinh ở ga, tuyên truyền hành khách giữ gìn vệ sinh. BS Giang cho biết thêm hiện TP có trên 1,5 triệu viên Chloramin B và 7 tấn Chloramin B dạng bột, đủ để phòng chống dịch nếu xảy ra. Riêng vaccine phòng tả, theo BS Giang, hiện TPHCM chưa phải vùng dịch nên chưa được chỉ định sử dụng.
Cũng trong chiều qua, lãnh đạo Sở Y tế TPHCM cho biết kết quả xét nghiệm mẫu phân của con gái cụ Mơi (chị Lê Thị Nghiêm đang ngụ tại khu trọ nói trên) và bể nước giếng khoan của khu trọ cho kết quả sơ bộ nghi ngờ nhiễm vi khuẩn tả. Qua cấy phân xét nghiệm, Viện Pasteur TPHCM đã xác định chị Lê Thị Nghiêm dương tính với phẩy khuẩn tả. Nhưng chị Nghiêm rơi vào trường hợp chưa có biểu hiện lâm sàng rõ rệt, mặc dù trước đó chị có đi tiêu chảy nhưng tự hết. Hiện chị Nghiêm được áp dụng phác đồ điều trị như một bệnh nhân mắc bệnh tả nhưng cho uống thuốc điều trị tại nhà. Sau 3 ngày sẽ tiếp tục cấy phân của bệnh nhân để kiểm tra.
Tường Lâm
Khóa cửa nhà vệ sinh khi tàu đi qua khu vực dân cư Chiều 11-4, trao đổi với PV Báo SGGP, ông Vương Đình Khánh, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, trước nguy cơ bệnh tả lây lan, ngành đường sắt đã chỉ thị cho các đơn vị trực thuộc đẩy mạnh công tác vệ sinh trên tàu; thực phẩm trên tàu phải được kiểm tra an toàn trước khi chế biến bán cho hành khách; nếu phát hiện có hành khách bị nhiễm bệnh tả thì các tổ công tác trên tàu phải dừng tại ga gần nhất để chuyển bệnh nhân vào bệnh viện và tổ chức phun thuốc tẩy trùng tại các nhà ga và các nhà vệ sinh trên tàu. Theo ông Khánh, việc xả thẳng chất thải vệ sinh xuống đường ray, nhất là trong thời điểm nguy cơ dịch bệnh cao như hiện nay là điều hết sức nguy hiểm, tuy nhiên hiện nay ngành đường sắt không có biện pháp nào khác ngoài việc khóa cửa nhà vệ sinh khi tàu vào ga và đi qua các khu vực đông dân cư. H. Việt |