
Sau nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng diễn ra trên địa bàn TPHCM và các tỉnh lân cận, sự cần thiết phải có một lực lượng cứu hộ, cứu nạn (CHCN) chuyên nghiệp đã trở thành vấn đề bức xúc của không chỉ riêng TPHCM. Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Thành Tài vừa chỉ đạo giám đốc Sở Nội vụ nghiên cứu xây dựng một đề án về lực lượng CHCN chuyên nghiệp cho TPHCM.
Những bài học “thừa nhiệt tình nhưng thiếu hiệu quả”
8 giờ sáng ngày 26-9, một thời khắc định mệnh đã gieo tai họa xuống những người đang thi công công trình cầu Cần Thơ, tạo ra cả một thảm họa quốc gia. Chưa bao giờ cả nước chứng kiến một tai nạn sập cầu nào kinh hoàng đến thế. Hầu như lúc đó, bất cứ tỉnh thành nào cũng muốn góp tay hỗ trợ Cần Thơ vượt qua thảm cảnh. Tại TPHCM, ngay lập tức, Sở Y tế TPHCM cùng với các bệnh viện lớn trên địa bàn TP như: Chợ Rẫy, Chấn thương chỉnh hình, Nhân dân 115,… ngay lập tức lên đường hỗ trợ cho tỉnh bạn. UBND tỉnh Cần Thơ, Vĩnh Long cũng đã huy động toàn bộ lực lượng chiến sĩ sẵn sàng túc trực tại Cần Thơ…

Lực lượng cứu hộ khoan cắt bê tông, bơm nước ra để lấy xác nạn nhân trong vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ.
Tuy nhiên, khi xem truyền hình trực tiếp vụ sập cầu Cần Thơ và công tác CHCN tại khu vực này, hình ảnh đập vào mắt mọi người là nhiều xe cứu thương, chữa cháy xếp hàng dài đứng bất lực trước đống đổ nát ngổn ngang vì không thể làm gì hơn. Nhiều y, bác sĩ, chiến sĩ các đội phòng cháy chữa cháy (PCCC) cũng chỉ biết đứng nhìn vì lực lượng đến tham gia cứu hộ quá đông, thiết bị còn quá lạc hậu nên cũng không thể nào len lỏi vào đống đổ nát, ngổn ngang đó để cứu người và tìm xác nạn nhân.
Đây không phải là lần đầu tiên công tác CHCN của các cơ quan chức năng lâm vào cảnh lúng túng như vậy. Cách đây vài năm, vụ cháy Trung tâm Thương mại quốc tế - ITC ở TPHCM cũng đã để lại một bài học đau xót khi hàng chục người chết và bị thương, phần lớn cũng do công tác CHCN “thừa nhiệt tình nhưng thiếu hiệu quả” gây ra.
Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn chỉ đạo chữa cháy - cứu hộ - cứu nạn, Sở Cảnh sát PCCC TP, cho biết, sau tai nạn đó, TP mới “sực tỉnh” và đã trang bị những xe thang chuyên dụng, máng trượt, tấm đệm không khí cho lực lượng, để khi có tai nạn xảy ra, cố gắng bảo toàn mạng sống cho nạn nhân.
Cứu hộ cứu nạn của TP: bất cập!
Thượng tá Nguyễn Quang Nhật cho biết, toàn TP từ trước đến nay chỉ có một đội (gồm 24 cán bộ, chiến sĩ) trực thuộc Sở PCCC TP đảm nhận công việc CHCN. Ngày nào các thành viên trong đội cũng tham gia từ 2 đến 3 vụ. Trong khi nhân lực đã eo hẹp thì phương tiện càng “khó nói” hơn. Toàn đội chỉ có 1 chiếc xe cứu thương và 1 xe cứu hộ. “Đó là chưa kể về đồ lặn chuyên nghiệp và các thiết bị khác cũng không có nên hầu như khi có sự việc xảy ra, dù ở đâu, anh em cũng chỉ “đầu trần mắt thịt” mà lặn xuống. Đã có trường hợp thương tâm xảy ra là do đụng mìn nên 2 anh em cứu hộ đã hy sinh. Chuyện nguy hiểm, độc hại là chuyện bình thường” như lời một chiến sĩ trong đội kể.
Thượng tá Nguyễn Quang Nhật cho biết thêm: Ngay cả công tác trực vớt, cứu hộ tàu Hoàng Đạt 36 bị chìm vừa qua, các anh chịu thua vì không có phương tiện và đội ngũ đáp ứng yêu cầu. Trang bị thô sơ thế, nhưng từ năm 2004, đội này đã tham gia 167 vụ, trong đó chủ yếu là cứu hộ, cứu nạn cho bão lụt, chìm tàu, té ao, té giếng… và kiêm luôn vớt xác! Dù cố gắng nhưng các anh cũng chỉ cứu sống được 98 người và tìm được 108 xác nạn nhân.
Thượng tá Nguyễn Quang Nhật cho rằng, công tác này chưa phát huy hiệu quả còn do luật cũng chưa quy định rõ tổ chức lực lượng này như thế nào, nhiệm vụ, chế độ ra sao… Trong khi đó, TP có 11 trung tâm PCCC nhưng chỉ có một đội CHCN đặt ở sở, khi có sự việc xảy ra ở những quận huyện ngoại thành, anh em rất vất vả mới đến được, nên đôi khi hiệu quả chẳng được bao nhiêu.
Bao giờ có lực lượng CHCN chuyên nghiệp?
Thượng tá Nguyễn Quang Nhật cho rằng, nếu chưa thành lập được một lực lượng CHCN chuyên nghiệp như kế hoạch thì cũng phải quy định rõ hơn quyền lợi, nghĩa vụ cũng như tổ chức đội cứu hộ hiện nay. Thành lập tổ CHCN ngay tại các trung tâm PCCC để thuận lợi cho công tác CHCN tại hiện trường. TPHCM cần quy định rõ trách nhiệm, đầu mối công việc giữa các sở ngành có liên quan để tránh bị thụ động.
Đơn cử như trách nhiệm bảo đảm an toàn trật tự, phương tiện và của cải của người dân, giải tán đám đông là của lực lượng công an. Công tác cứu người bị thương tích nặng, chuyển viện ngay là của ngành y tế. Còn lực lượng PCCC sẽ làm nhiệm vụ chữa cháy và cứu người trong đám cháy. Công ty Công viên cây xanh TP điều ngay xe chuyên dùng phối hợp… Như thế, sẽ tránh được tình trạng thụ động, chờ chỉ đạo hoặc lúng túng không biết xử lý tình huống thế nào. Ngoài ra, điều quan trọng là phải trang bị các phương tiện CHCN chuyên nghiệp hơn.
Ông Châu Minh Tỷ, Giám đốc Sở Nội vụ TP cho biết, hiện đơn vị đang gấp rút nghiên cứu, xây dựng đề án này để trình UBND TP. Trước đây, khi TP chuẩn bị đề án thành lập Sở PCCC đã có đề cập đến công tác CHCN. Khi đó, chúng tôi dự kiến đặt là “Sở PCCC và cứu hộ” để hoạt động CHCN được rộng hơn, đảm nhận nhiều việc như CHCN sự cố tràn dầu, bão lũ, tai nạn sập cầu, nhà cao tầng… Tuy nhiên, khi thành lập Sở PCCC trực thuộc Bộ Công an thì công tác CHCN đã không còn được quy định trong chức năng hoạt động. Chúng tôi cũng rất nóng ruột nhưng sẽ phải nghiên cứu cụ thể hơn về chế độ, chính sách, phạm vi hoạt động với các đơn vị có liên quan để hoàn chỉnh đề án này” – ông Tỷ nói.
TPHCM là một TP đông dân và năng động nhất cả nước, lại đang có nhiều công trình giao thông, đô thị quan trọng đang triển khai nên hơn bao giờ hết, một lực lượng CHCN chuyên nghiệp là rất cần thiết và cấp bách. Thiết nghĩ TP nên sớm quyết định, chớ để rơi vào tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng” như lâu nay.
HỒNG HIỆP