Chiều 25-4, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM tổ chức hội nghị gặp gỡ cán bộ chủ chốt được điều động, luân chuyển, bổ nhiệm giữ chức vụ cấp trưởng tại các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị của TPHCM từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay.
Tham dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; cùng các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên dự buổi gặp mặt. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ chia sẻ, Thường trực Thành ủy TPHCM mong muốn lắng nghe những tâm tư, tình cảm, chia sẻ để thấu hiểu hơn các vấn đề mà cán bộ đang gặp phải. Các ý kiến đóng góp của các cán bộ chủ chốt trong buổi gặp mặt sẽ được tập hợp gửi đến các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, tham mưu cho Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành.
Theo đồng chí, từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, TPHCM đối mặt và vượt qua những thử thách chưa từng có, mang tính lịch sử. Đó là năm 2021, dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 gây hậu quả nặng nề nhưng nhờ sự quan tâm, chỉ đạo, điều hành quyết liệt của các cấp ủy Đảng, sự chung sức đồng lòng của người dân và doanh nghiệp trên cả nước và bạn bè quốc tế, TPHCM đã tập trung nguồn lực đảm bảo an sinh xã hội, trụ vững khẳng định mình để vươn lên.
Đến năm 2022, TPHCM kiểm soát dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế với tốc độ tăng trưởng trên 9%. Đến quý 1-2023, tăng trưởng kinh tế của TPHCM chỉ đạt 0,7%, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 của TPHCM hạ 13 bậc, xếp vị trí thứ 27/63 tỉnh thành cả nước.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên trao đổi với các cán bộ chủ chốt được điều động, luân chuyển, bổ nhiệm giữ chức vụ cấp trưởng tại các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị của TPHCM từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Trong bối cảnh hiện nay có nhiều thách thức đã và đang diễn ra tác động trực tiếp, sâu sắc đến nhiều mặt, ảnh hưởng đến sự phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và TPHCM nói riêng.
Trong từng giai đoạn, Đảng bộ TPHCM luôn xác định từng nhiệm vụ trọng tâm để nỗ lực tập trung thực hiện, từng bước vượt qua khó khăn, thử thách để ổn định và phát triển kinh tế - xã hội. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và hệ thống chính trị của TPHCM đạt được nhiều kết quả tích cực. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Báo cáo buổi gặp mặt, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Thành ủy TPHCM Huỳnh Cách Mạng cho biết, quy trình công tác cán bộ từ khâu tuyển dụng đến quy hoạch, đào tạo, bố trí sử dụng cán bộ ngày càng chặt chẽ, đồng bộ, công khai, minh bạch, khoa học, dân chủ hơn. Công tác đánh giá cán bộ có nhiều đổi mới về nhận thức và cách làm, các tiêu chí đánh giá được xây dựng cụ thể, có tính định lượng.
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ phát biểu tại buổi gặp mặt. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Công tác bố trí một số chức danh cán bộ chủ chốt không là người địa phương được Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM, các cấp ủy chấp hành và triển khai thực hiện nghiêm túc, đạt được kết quả tích cực.
Hiện nay, TPHCM có 22/22 Bí thư Quận ủy, Huyện ủy, Thành ủy TP Thủ Đức; có 22/22 Trưởng Công an và 19/22 Chủ tịch UBND quận, huyện, TP Thủ Đức không là người địa phương.
"Hầu hết cán bộ được luân chuyển, điều động, bổ nhiệm, phân công và giới thiệu ứng cử đều phát huy tốt trình độ, năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Bước đầu, cán bộ thực hiện đúng cam kết chính trị được trình bày trong chương trình hành động trước khi được điều động, luân chuyển, bổ nhiệm", Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Thành ủy TPHCM đánh giá.
Dù vậy, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Thành ủy TPHCM cũng chỉ ra một số vấn đề cần quan tâm, trong đó, cơ cấu cán bộ trẻ, cán bộ nữ có nơi còn nhiều khó khăn, nhất là các quy định pháp luật chưa đồng bộ đã ảnh hưởng rất lớn đến việc tạo nguồn cán bộ trẻ.
Các đại biểu tại buổi gặp mặt. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Bên cạnh đó, hiện nay vẫn còn một bộ phận thiếu tinh thần trách nhiệm, có biểu hiện ngại khó, trong xử lý công việc thiếu sự quyết liệt, năng động, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ không cao, không vì lợi ích chung. Điều này làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp và sự phát triển của địa phương, đơn vị và thành phố.
Vì vậy theo Ban Tổ chức Thành ủy TPHCM, thời gian tới, cấp ủy, nhất là người đứng đầu phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, chấp nhận khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung. Cùng với đó phải thực hiện tốt vai trò nêu gương về phẩm chất đạo đức, lối sống “cần, kiệm, liêm, chính”, “chí công vô tư”, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Các đại biểu tại buổi gặp mặt. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Cùng với đó, phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước nhân dân theo Kết luận số 14 của Bộ Chính trị, nhằm khơi dậy ý thức trách nhiệm, tinh thần cống hiến, khát vọng đổi mới, sáng tạo của đội ngũ cán bộ.
Đồng thời, thường xuyên động viên, khích lệ, tạo cơ chế, môi trường, điều kiện thuận lợi để cán bộ mạnh dạn đề xuất, triển khai ý tưởng. Ngoài ra, TPHCM thực hiện nghiêm Quy định số 205 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền.
Hiện nay số lượng cán bộ chủ chốt của TPHCM là 804 người. Từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM thực hiện luân chuyển, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, phân công cán bộ giữ nhiệm vụ cấp trưởng đối với 59 cán bộ.
Trong đó có 23 cán bộ giữ nhiệm vụ cấp trưởng sở, ban, ngành thành phố và tương đương; 13 cán bộ giữ nhiệm vụ Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức, quận, huyện, Bí thư Đảng ủy trực thuộc Thành ủy TPHCM; 14 cán bộ giữ nhiệm vụ Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, quận, huyện; 9 cán bộ giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng thành viên, Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc, Giám đốc Tổng Công ty.
Ngoài ra, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM thực hiện luân chuyển, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, phân công cán bộ giữ nhiệm vụ cấp phó đối với 90 đồng chí.