TPHCM: Công bố giá bán 8 nhóm hàng thiết yếu

Hàng bình ổn chiếm 20%- 40% thị trường
TPHCM: Công bố giá bán 8 nhóm hàng thiết yếu

Chiều 18-6, Sở Công thương và Sở Tài chính TPHCM công bố số lượng và giá bán 8 nhóm hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trong chương trình bình ổn giá thị trường năm 2010 và Tết Tân Mão 2011. Theo đó, mức giá được các doanh nghiệp (DN) đăng ký và xét duyệt đều thấp hơn 10% so với giá thị trường và sẽ ổn định đến hết ngày 31-3-2011. Thời gian thực hiện kể từ ngày 21-6-2010.

Sản xuất thịt hộp tham gia chương trình bình ổn giá tại Vissan. Ảnh: Cao Thăng

Sản xuất thịt hộp tham gia chương trình bình ổn giá tại Vissan. Ảnh: Cao Thăng

Hàng bình ổn chiếm 20%- 40% thị trường

Theo Phó Giám đốc Sở Công thương Quách Tố Dung, việc tổ chức chương trình bình ổn giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm là nhằm cung ứng cho thị trường lượng hàng dồi dào, đảm bảo chất lượng và giá cả phù hợp. Với cách làm này, TPHCM hy vọng sẽ loại trừ dần hiện tượng thiếu hàng, giá cả tăng đột biến khi có thiên tai, dịch bệnh hoặc dịp mua sắm cao điểm tết.

Việc xác định nguồn hàng dựa trên nhu cầu tiêu dùng thực tế đối với các nhóm trong từng tháng. Trên cơ sở đó cơ quan chức năng cùng với các DN hoạch định chiến lược dự trữ nguồn hàng cho phù hợp. Đối với chương trình bình ổn giá trong năm 2010, sẽ có 8 nhóm hàng được dự trữ và bình ổn gồm: gạo, đường, dầu ăn, thịt gia cầm, thịt gia súc, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến và rau củ. 

Theo tính toán, số lượng hàng bình ổn tham gia vào các tháng thường trong năm 2010 sẽ chiếm khoảng 20% so với nhu cầu tiêu dùng của người dân TP. Cụ thể, gạo trắng thường 6.000 tấn/tháng; đường RE 1.800 tấn/tháng; dầu ăn 700 tấn/tháng; thịt gia súc 3.600 tấn/tháng; thịt gia cầm 1.450 tấn/tháng; trứng gia cầm 13,5 triệu quả/tháng; thực phẩm chế biến 1.050 tấn/tháng; rau củ 1.000 tấn/tháng.

Riêng với chương trình bình ổn giá hàng Tết Tân Mão 2011, lượng hàng bình ổn sẽ tăng 30%-40% để thể hiện vai trò định hướng về giá bán chung trên thị trường. Theo đó, cũng sẽ có 8 nhóm hàng tham gia bình ổn giá gồm: gạo- nếp, đường, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến và rau củ quả. Trong quá trình thực hiện, sẽ có sự thay đổi về mặt hàng và cơ cấu lượng hàng trong từng nhóm so với tháng thường nhằm đáp ứng tối ưu nhu cầu tiêu dùng của người dân TP vào dịp Tết Nguyên đán.

Mặt hàng thực phẩm chế biến nằm trong chương trình bình ổn giá năm 2010. Ảnh: Cao Thăng
Mặt hàng thực phẩm chế biến nằm trong chương trình bình ổn giá năm 2010. Ảnh: Cao Thăng

Cơ hội cho các doanh nghiệp lớn mạnh

Tại cuộc họp, 14 DN tham gia chương trình bình ổn giá đều tỏ rõ quyết tâm trong việc đầu tư, tổ chức nguồn hàng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Ông Phạm Văn Minh, Giám đốc Công ty TNHH Phú An Sinh, cho biết, với hơn 29 tỷ đồng (chiếm khoảng 50% số vốn lưu động của Phú An Sinh) vay từ chương trình, lãi suất 0% đã giúp công ty mạnh dạn hơn trong việc đầu tư chuyên sâu. Tiến đến việc khép kín mô hình chăn nuôi hiện đại, đầu năm 2010, Phú An Sinh đã đưa vào hoạt động nhà máy chế biến có vốn đầu tư 12 tỷ đồng đặt tại Bà Rịa - Vũng Tàu.

Sau 4 năm mày mò bằng việc chế biến những sản phẩm, nguyên liệu từ thịt gia cầm và gia súc, công ty đã thành công với các loại thực phẩm như giò thủ, chân giò hun khói, ba rọi khun khói... Công ty TNHH Ba Huân cũng vừa thử nghiệm thành công và nhân rộng mô hình nuôi vịt siêu trứng an toàn sinh học. Theo Giám đốc Phạm Thị Huân, nhờ nguồn vốn vay của TP, công ty đã liên kết với các đối tác ở Bình Định để phát triển con giống, kéo ngắn thời gian vịt đẻ trứng chỉ trong 30 ngày thay vì 60- 70 ngày... Ngoài ra, công ty cũng đang đẩy mạnh việc đầu tư vào các dự án để thực hiện các trang trại chăn nuôi liên kết, số lượng lên đến hàng trăm ngàn con, tạo nguồn hàng cung cấp cho TP.

Năm nay lần đầu tiên hệ thống siêu thị Vinatex (Vinatex Mart) được TP xét chọn tham gia chương trình bình ổn giá. Cùng với việc hỗ trợ các DN đưa hàng bình ổn giá vào bán trong hệ thống siêu thị, Vinatex cũng sẽ chủ động đi tìm những nguồn hàng, với mức giá tốt nhất, góp phần cùng TP thực hiện tốt chương trình bình ổn giá.

Theo nhận định của các DN, nguồn hàng cung ứng cho thị trường đã sẵn sàng và rất dồi dào, phong phú. Ngay cả khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh, nguồn hàng bình ổn giá cũng sẽ đủ sức cung ứng và chi phối thị trường.

Trao đổi với PV Báo SGGP, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, chương trình bình ổn thị trường năm 2010 và Tết Tân Mão 2011 sẽ là công cụ để TPHCM điều tiết và kiềm chế giá các mặt hàng thiết yếu. Việc hỗ trợ vốn với lãi suất 0% góp phần giúp các DN tận dụng cơ hội để đầu tư và làm ăn ngày càng bài bản, hiện đại. Đây cũng là cách TPHCM từng bước làm tốt hơn việc chăm lo bữa ăn cho người dân TP.

Giá tham chiếu các mặt hàng bình ổn

Theo công bố của Sở Tài chính, giá bán 8 nhóm hàng lương thực, thực phẩm của các DN đã được xét duyệt. Theo đó, giá bán cùng một mặt hàng, nhưng cao hơn hoặc thấp hơn là do từng đơn vị đăng ký và tùy thuộc vào thương hiệu cũng như khả năng cung ứng của các DN.

Cụ thể, gạo trắng thường 8.000- 8.500 đồng/kg; gạo trắng thơm 16.300 đồng/kg; nếp 15.000 đồng/kg; đường RE 18.000 đồng/kg; dầu ăn 24.500- 25.600 đồng/lít; thịt heo đùi 65.000- 68.000 đồng/kg; thịt bò đùi 130.000 đồng/kg; thịt gà ta 90.000 đồng/kg; thịt vịt 50.000 đồng/kg; trứng gà loại 1 21.000 đồng/10 quả; trứng vịt loại 1 25.500 đồng/10 quả; lạp xưởng 110.000- 125.000 đồng/kg; chả lụa 100.000- 110.000 đồng/kg...

Giá bán hàng hóa là do DN tham gia chương trình xây dựng và thực hiện đăng ký với Sở Tài chính theo nguyên tắc xác định đầy đủ, chính xác cơ cấu tính giá theo các yếu tố hình thành giá và phải thấp hơn giá thị trường của sản phẩm cùng quy cách, chủng loại, chất lượng tại thời điểm cam kết đăng ký giá ít nhất là 10%. Giá thị trường là giá công bố của Cục Thống kê TPHCM tại thời điểm đăng ký giá.

Trong thời gian tham gia chương trình, trường hợp thị trường biến động tăng giá, các DN không được tăng giá bán; nếu thị trường giảm giá từ 5% trở lên (tức giá bán bình ổn chỉ còn thấp hơn giá thị trường khoảng 5%), các DN phải đăng ký điều chỉnh giảm giá bán sản phẩm tương ứng.

>> Điện thoại đường dây nóng của Chương trình bình ổn giá: 38297550, 38296282 - Fax: 38273908

Thúy Hải

Tin cùng chuyên mục