(SGGPO).- Ngày 24-10, tại TP Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận), đã diễn ra hội nghị sơ kết 2 năm (2013 – 2015) thực hiện chương trình hợp tác "Tam giác phát triển du lịch TPHCM - Lâm Đồng - Bình Thuận".
Theo đó, TPHCM tiếp tục là địa phương dẫn đầu, đầu tư các dự án du lịch tại các địa phương (chiếm 58% tổng số dự án du lịch được chấp thuận đầu tư tại Bình Thuận và chiếm 42% tổng số dự án đầu tư du lịch tại Lâm Đồng). Riêng từ tháng 6-2013 đến nay, tỉnh Lâm Đồng đã thu hút thêm được 3 dự án du lịch từ các nhà đầu tư đến từ TPHCM với tổng số vốn đăng ký trên 600 tỷ đồng; đã có 3 dự án du lịch từ các nhà đầu tư TPHCM đưa vào hoạt động kinh doanh. Tại tỉnh Bình Thuận, hiện có 237 dự án du lịch (tăng 3 dự án so với năm 2014) của các nhà đầu tư đến từ TPHCM, với tổng số vốn đầu tư trên 30.600 tỷ đồng.
Du khách nghỉ dưỡng, tắm biển Hòn Rơm (TP Phan Thiết)
TPHCM cũng tiếp tục giữ vị trí là trung tâm trung chuyển khách đến Bình Thuận và Lâm Đồng. Tính đến tháng 10-2015, khoảng 60% doanh nghiệp lữ hành của TPHCM thường xuyên đưa khách đến tham quan, nối tuyến Lâm Đồng và Bình Thuận. Nhờ sự hợp tác, liên kết nêu trên, các tour du lịch kết nối TPHCM – Bình Thuận – Lâm Đồng đang được xem là một trong những tour du lịch nội địa phổ biến và khai thác hiệu quả kinh tế nhất hiện nay.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành du lịch 3 địa phương cũng đã thẳng thắn thừa nhận những mặt tồn tại, hạn chế cần được khắc phục trong thời gian tới. Cụ thể, các địa phương chưa thật sự tích cực chủ động triển khai hoặc phối hợp thực hiện các nội dung chương trình đề ra; chưa khuyến khích đầu tư để tạo ra những sản phẩm du lịch mới; việc thúc đẩy hợp tác về quảng bá, xúc tiến du lịch còn chưa được chú trọng nhiều; sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước quản lý về du lịch giữa 3 địa phương chưa thật sự chặt chẽ, chưa phân công, phân nhiệm rõ ràng giữa các địa phương cũng như ở từng địa phương và chưa xây dựng được các giải pháp riêng trong phát triển du lịch.
Tại hội nghị, ngành du lịch 3 địa phương thống nhất là sẽ tiếp tục xây dựng hành trình “3 địa phương 1 điểm đến” với thương hiệu chung “Chợ Bến Thành – Hoa Đà Lạt – Biển Mũi Né”. Các doanh nghiệp lữ hành của 3 địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng và thực hiện nhiều tour du lịch liên kết 3 địa phương thông qua các sản phẩm du lịch đa dạng mang nét đặc trưng, đặc biệt là các tour du lịch gắn liền với sự kiện văn hóa, xã hội để hình thành các tour du lịch đặc trưng liên kết 3 khu vực.
Nguyễn Tiến