TPHCM đầu tư gần 264.000 tỷ đồng ở ĐBSCL

(SGGP).– Đó là con số được công bố tại hội nghị liên kết giữa 13 tỉnh thành ĐBSCL với TPHCM, diễn ra tại Vĩnh Long vào sáng 26-11. Theo UBND TPHCM, qua 12 năm liên kết (từ năm 2001 đến nay) các doanh nghiệp TPHCM đã tham gia đầu tư 23 KCN và hơn 1.000 dự án thuộc các lĩnh như nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp, hạ tầng giao thông, đô thị, thương mại, dịch vụ, du lịch… tại 13 tỉnh thành ĐBSCL với tổng vốn đăng ký 263.937 tỷ đồng. Qua đó, cùng với các địa phương ở ĐBSCL thúc đẩy kinh tế - xã hội toàn vùng không ngừng phát triển. Ông Nguyễn Phong Quang, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, cho rằng, vùng ĐBSCL có thế mạnh về sản xuất lúa gạo, thủy sản, trái cây, rau màu, chăn nuôi, song để sản phẩm được tiêu thụ ổn định thì phải nhờ đến TPHCM, bởi đây là thị trường lớn. Kể cả việc đưa hàng hóa của vùng ĐBSCL ra nước ngoài cũng rất cần các doanh nghiệp của TPHCM trợ lực. Vì vậy, các tỉnh thành ĐBSCL rất cần hợp tác với TPHCM.

Ngoài những kết quả đạt được thì hiện nay vẫn còn những hạn chế, như một số chương trình hợp tác chưa mang tính thường xuyên liên tục; số vốn đăng ký và số doanh nghiệp của TPHCM đầu tư ở ĐBSCL còn ít, chưa tương xứng với nhu cầu thực tế; nhiều dự án chậm triển khai nên hiệu quả thu về chưa cao…

Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân nhìn nhận, việc hợp tác giữa TPHCM với các tỉnh thành ĐBSCL không chỉ về kinh tế mà còn có ý nghĩa quan trọng về chính trị, văn hóa, xã hội… Vì vậy, tới đây TPHCM sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để các doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư ở ĐBSCL. Ngoài chuyện hỗ trợ vùng này tiêu thụ sản phẩm nông thủy sản, thì các doanh nghiệp của TPHCM cần liên kết chặt hơn với các ngành chức năng, nông dân, HTX… để xây dựng vùng nguyên liệu quy mô lớn tại ĐBSCL, hỗ trợ người dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP… vừa để tiêu thụ nội địa và phục vụ xuất khẩu. Theo Chủ tịch Lê Hoàng Quân, việc hợp tác tới đây không chỉ giới hạn trong khuôn khổ các sở, ngành và địa phương mà cần mở rộng hợp tác với các công ty, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân giữa hai bên. Ngoài ra, cần nghiên cứu xây dựng cơ chế hợp tác để tăng cường vai trò, trách nhiệm của cơ quan điều phối, cơ quan được giao nhiệm vụ; đồng thời cần sơ kết, tổng kết đúng định kỳ nhằm tháo gỡ kịp thời những vướng mắc trong quá trình hợp tác…

HUỲNH LỢI

Tin cùng chuyên mục