TPHCM: Đề xuất hỗ trợ giáo viên dạy 2 buổi/ngày khi thực hiện chương trình phổ thông mới

Sáng 16-3, tại Trường Tiểu học Hà Huy Giáp (quận 12), Đoàn giám sát Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do ông Phan Viết Lượng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục làm trưởng đoàn đã có buổi giám sát về tình hình thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 và Nghị quyết 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Tại buổi làm việc, cô Nguyễn Hoàng Yến, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hà Huy Giáp cho biết, trường có tổng cộng 67 lớp học với 3.369 học sinh, song chỉ có 22 lớp với 1.210 học sinh được học 2 buổi/ngày.

Năm học 2022-2023, do khó khăn về phòng học trên địa bàn quận 12 nói chung và phường Thạnh Lộc nói riêng, Trường Tiểu học Hà Huy Giáp đã sử dụng 14 phòng học tại Trường THCS Tô Ngọc Vân (mới được thành lập năm học 2022-2023 và chỉ mới sử dụng một số phòng học cho học sinh lớp 6) để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày đối với khối 5.

Đại diện nhà trường cho biết, Trường Tiểu học Hà Huy Giáp là trường tiểu học duy nhất ở phường Thạnh Lộc nên việc đáp ứng dạy và học 2 buổi/ngày cho 100% lớp thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 là không thể thực hiện.

Bên cạnh đó, về tình hình nhân sự, trường hiện đang thiếu giáo viên các môn tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục do không có hồ sơ giáo viên đăng ký tuyển dụng.

Trong tổng số 98 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên toàn trường, có 3 nhân viên trình độ trung cấp, 11 giáo viên trình độ cao đẳng, còn lại là trình độ đại học và thạc sĩ.

Kết quả năm học 2021-2022, 100% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học, trong đó 98,9% học sinh lên lớp thẳng và 1,1% học sinh thi lại.

Toàn cảnh buổi làm việc

Toàn cảnh buổi làm việc

"Một số phụ huynh chưa hiểu rõ chương trình mới nên có tâm lý so sánh chương trình, sách giáo khoa cũ với chương trình, sách giáo khoa mới, giá sách… Từ đó đưa ra những nhận định, đánh giá chưa thật phù hợp và đầy đủ, gây áp lực cho học sinh, giáo viên và nhà trường đối với năm đầu thay sách lớp 1", cô Nguyễn Hoàng Yến cho biết.

Riêng đối với sách giáo khoa (SGK), đánh giá từ đơn vị cho biết, SGK theo chương trình mới đã đáp ứng tốt yêu cầu cần đạt chương trình mới đưa ra.

Trong đó, SGK có nhiều sáng tạo riêng trong cách thức trình bày, thể hiện nội dung đối với cùng một yêu cầu cần đạt trong chương trình môn học, hoạt động giáo dục.

Nội dung kiến thức cơ bản, dễ hiểu, không gây quá khó đối với học sinh, giúp học sinh dễ tiếp cận với bài học bởi kênh chữ, kênh hình đẹp, dễ hiểu, mỗi bài học đều có nội dung liên hệ thực tế, mở rộng, nhiều số liệu thông tin được cập nhật mới, hình ảnh minh họa cho bài giảng bài học phù hợp, ngắn gọn với nội dung yêu cầu mà sách giáo khoa cần truyền đạt.

Ông Phan Viết Lượng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc

Ông Phan Viết Lượng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc

Tuy nhiên, việc xuất bản các bộ SGK khác nhau, lựa chọn ngữ liệu, hình ảnh khác nhau, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá được lựa chọn khác nhau một mặt giúp đa dạng các bộ sách, đáp ứng nhu cầu sử dụng của các địa phương với nhiều khác biệt về đặc điểm kinh tế, xã hội, văn hóa.

Tuy nhiên, tiến trình nội dung bài học trong một môn học còn có sự chênh lệch giữa các bộ sách khác nhau. Một số bản mẫu có lỗi về nội dung, chính tả, ngôn ngữ, hình ảnh…

Nhìn chung, việc đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông đã tạo được chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh trong việc chuyển từ giáo dục truyền thụ kiến thức sang giáo dục phát triển phẩm chất và năng lực, phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh.

Trên cơ sở thuận lợi và khó khăn, Trường Tiểu học Hà Huy Giáp kiến nghị UBND TPHCM có chính sách hỗ trợ giáo viên dạy học 2 buổi/ngày thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Tin cùng chuyên mục