(SGGPO).- Trong ba ngày Tết Bính Thân (từ 29 tháng Chạp đến mùng 2), tại nhiều đền chùa ở TPHCM, hàng ngàn người đã chen chúc đến cầu bình an, tài lộc cho gia đình. Tại một số ngôi chùa như Vĩnh Nghiêm, Phước Hải, Xá Lợi, Đền Đức Thánh Trần,... ngay từ đêm 29 tháng Chạp, đã chật cứng người đến cúng bái, xin lộc đầu năm.
Tại Chùa Vĩnh Nghiêm, từ đêm 29 Tết, đã xảy ra kẹt xe cục bộ trên đường Nguyễn Văn Trỗi. Qua sáng mùng 1 Tết, dòng người đổ về ngôi chùa này càng lúc càng đông, xe kẹt cứng từ cầu Công Lý đến cổng chùa. Các bãi giữ xe xung quanh chùa quá tải, người dân đậu xe tràn xuống lòng đường gây tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng. Trước cổng và bên trong sân chùa, người bán nhang, đồ cúng chen chúc với khách. Nhiều người đi lễ chùa phải nhích từng chút một mới vào được chánh điện.
Tại chùa Phước Hải, đường Mai Thị Lựu, quận 1, cảnh quá tải, chen lấn cũng xảy ra từ đêm giao thừa đến trưa mùng 2 Tết. Dù Ban quản trị nhà chùa thường xuyên phát loa kêu gọi mọi người giữ vệ sinh nhưng vẫn còn cảnh những người dân viếng chùa thiếu ý thức xả rác bừa bãi, thả thức ăn xuống hồ cho rùa, cá ăn gây mất vệ sinh. Do có một bãi giữ xe tổ chức bên trong chùa nên cổng chùa thường xuyên bị ùn tắc giữa người và xe. Bên trong chùa Phước Hải, dòng người chen chúc qua từng điện để cầu bình an, xin lộc là dịp để kẻ gian trà trộn móc túi, điện thoại của khách.
Bên trong chánh điện chùa Phước Hải, đường Mai Thị Lựu, quận 1
Chùa Phước Hải luôn đông đúc khách thập phương đến cúng bái trong ba ngày tết.
Đặc biệt, tại đây, có khá đông các đoàn khách du lịch quốc tế đến thăm chùa vào ngày đầu năm. Nhiều du khách tỏ ra thích thú trước phong tục đi chùa của người dân Việt Nam dịp tết. Anh Daniel Croswell, du khách Australia cho biết, đây là lần đầu tiên anh đến Việt Nam để du lịch lại đúng vào dịp tết truyền thống của người Việt. Anh rất ấn tượng với vẻ đẹp hiện đại của TP và đặc biệt là nét văn hóa đi viếng chùa đầu năm.
Tại Đền Đức Thánh Trần, đường Võ Thị Sáu, quận 1, cũng là điểm đến của rất đông người dân TP trong ba ngày tết, đặc biệt là người dân gốc các tỉnh Bắc Bộ. Cũng như nhiều ngôi chùa khác tại TPHCM, đền quy định người dân không được đốt nhang tại chánh điện để giữ gìn vệ sinh và không khí thoáng đãng. Điều này, nhận được sự đồng tình của nhiều người dân TP. Bác Nguyễn Hà Hải, nhà ở quận Tân Phú, khách đến viếng đền cho biết, rất đồng tình với việc không cho thắp nhang ở chính điện. Bác nói: "Tôi từng đến nhiều chùa dịp tết, có chùa cho đốt nhang đèn thoải mái, bà con vào điện mà mắt mở không ra, nước mắt nước mũi dàn dụa. Tôi rất đồng tình với cách làm của Ban quản trị Đền Đức Thánh Trần".
Đền Đức Thánh Trần, đường Võ Thị Sáu, quận 1 quy định khách chỉ được thắp nhang ở sân chùa, không đem nhang vào chánh điện.
Đến hẹn lại lên, đi lễ chùa đầu năm, người dân TP chấp nhận cảnh bị chặt chém vô tội vạ khi gửi xe. Tại chùa Phước Hải, hàng chục điểm giữ xe tự phát mọc lên xung quanh chùa, từ đường Mai Thị Lựu đến Điện Biên Phủ. Nhân viên các bãi xe tràn xuống lòng đường chèo kéo khách. Giá giữ xe ở đây trung bình là 10.000 đồng/xe. Anh Vĩnh Phú, ngụ quận 5 đến chùa Phước Hải vào sáng mùng 2 Tết nói: "Năm nào tới đây giá giữ xe cũng vậy. Riết rồi chẳng ai thắc mắc vì gửi cái xe năm mười phút đi chùa cho rồi, kèo nèo làm gì. Có điều, khu này, nhiều điểm giữ xe là nhà riêng chật hẹp, nên tôi chọn điểm giữ xe trong hẻm, chỗ để xe rộng rãi chứ để chật, trầy xước xe thì xót của lắm".
Tại chùa Vĩnh Nghiêm, từ đêm giao thừa, nhiều người đã không tìm được chỗ giữ xe vì các bãi giữ xe đều quá tải. Nhiều người phải đậu xe lề đường, chờ xe ra mới có chỗ gửi. Do vậy, các bãi giữ xe khu vực này tha hồ chặt chém, lúc cao điểm lên đến 20.000 đồng/chiếc mà vẫn không có có trống.
Tại nhiều đền chùa khác ở TPHCM, tết nhất cũng là dịp ăn nên làm ra của các bãi giữ xe, khi mức giữ xe trung bình của nhiều nơi là khoảng 10.000 đồng/chiếc.
HỒNG MINH