Chiều 27-3, HĐND TPHCM khóa IX khai mạc kỳ họp thứ 19 (kỳ họp bất thường), thảo luận nhiều nội dung quan trọng, trong đó có chế độ chi trong phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ người lao động bị mất việc bởi Covid-19.
Tham kỳ họp có có các đồng chí: Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thành Phong; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Nguyễn Thị Quyết Tâm, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM; Tô Thị Bích Châu, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM.
Ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội
Phát biểu tại kỳ họp, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong dành nhiều thời gian phân tích sự tác động của dịch bệnh Covid-19 đến phát triển kinh tế - xã hội và các giải pháp ứng phó của TPHCM.
Chủ tịch UBND TPHCM phân tích, dịch bệnh Covid-19 bùng phát ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế - xã hội TPHCM.
Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) 3 tháng đầu năm ước chỉ tăng 0,42% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 7,64%).
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giảm 1,3% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 12,3%); khách quốc tế đến TPHCM giảm 34,2% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 14,1%)…
Đến nay, hơn 1.350 doanh nghiệp giải thể (tăng 37,6% so với cùng kỳ); thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chỉ đạt 1,05 tỷ USD (giảm gần 33% so với cùng kỳ).
Đặc biệt, thu ngân sách gặp khó khăn, chỉ thu gần 899 tỷ đồng/ngày (giảm 35% so cùng kỳ) và chỉ đạt 55% so với mức thu trung bình thành phố phải thu theo dự toán (hơn 1.636 tỷ đồng/ngày). Do đó, chỉ tiêu dự toán năm 2020 là 405.828 tỷ đồng chắc chắn sẽ rất khó đạt.
Các hoạt động văn hóa - xã hội, giáo dục, thể dục thể thao, giải trí, đời sống tinh thần của người dân cũng như các hoạt động đối ngoại đều trực tiếp bị ảnh hưởng.
Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh đến các giải pháp ứng phó với dịch bệnh Covid-19 của TPHCM, trong đó phương châm là “an toàn, an tâm và an sinh xã hội”.
Cụ thể, TPHCM quyết liệt triển khai các giải pháp như yêu cầu người dân không ra đường nếu không có việc thực sự cần thiết; yêu cầu những người trên 60 tuổi cần ở nhà toàn bộ thời gian; yêu cầu người dân phải đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng; cấm tụ tập trên 20 người; đóng cửa toàn bộ các cơ sở dịch vụ trừ dịch vụ cung cấp thực phẩm, các mặt hàng thiết yếu, dược phẩm, các cơ sở khám chữa bệnh. TPHCM cũng tổ chức lại rất ít các phương tiện giao thông công cộng sức chở lớn; đối với xe buýt, taxi phải mở cửa, không bật máy lạnh.
Cùng với đó, TPHCM tổ chức công bố danh sách các địa điểm bán khẩu trang, nước rửa tay, khử khuẩn ở từng khu phố, ấp, để người dân thuận tiện mua sắm.
“TPHCM chỉ đạo ngành y tế xây dựng nhiều kịch bản, kể cả các kịch bản xấu nhất để chủ động đề ra các giải pháp tốt nhất ứng phó, phải luôn luôn chủ động trong mọi tình huống. TPHCM phấn đấu, quyết tâm kiềm chế tối đa dưới 150 ca mắc để cùng cả nước kiềm chế dưới 1.000 ca mắc bệnh Covid-19 trong thời gian tới”, đồng chí Nguyễn Thành Phong chia sẻ.
Hỗ trợ phát triển kinh tế
Theo đồng chí Nguyễn Thành Phong, TPHCM đã chủ động đề ra các giải pháp quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả để ứng phó với dịch bệnh Covid-19. UBND TPHCM đã có công văn khẩn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn với những chính sách thiết thực.
Tại kỳ họp này, UBND TPHCM cũng trình HĐND TPHCM thông qua nội dung một số chế độ chi của TPHCM phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ cho người lao động bị tác động bởi dịch Covid-19. Tổng kinh phí thực hiện hơn 2.753 tỷ đồng.
Cùng với đó, TPHCM cũng sẽ triển khai các giải pháp phát triển kinh tế. Cụ thể, trong tuần tới, UBND TPHCM sẽ thành lập tổ công tác do một đồng chí Thường trực UBND TPHCM làm tổ trưởng cùng lãnh đạo các sở ngành liên quan để thực hiện các nhiệm vụ cụ thể.
Trong đó, TPHCM nghiên cứu xây dựng, ban hành cẩm nang “Kế hoạch kinh doanh trong giai đoạn dịch bệnh“ để hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp.
TPHCM chú trọng làm cầu nối giúp doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có thể tiếp cận nhanh chóng, thuận lợi các gói hỗ trợ của Chính phủ (gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250.000 tỷ đồng; gói hỗ trợ gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất khoảng 30.000 tỷ đồng...).
Đồng thời, TPHCM sẽ tổng hợp ý kiến, nguyện vọng của doanh nghiệp để tiếp tục đề xuất chính sách hỗ trợ cụ thể, phù hợp từ Trung ương và từ ngân sách TPHCM cho doanh nghiệp, người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
“Trước mắt, TPHCM thực hiện ngay các chính sách hỗ trợ cụ thể cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể”, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong khẳng định.
Cụ thể, TPHCM hỗ trợ gia hạn nộp thuế, nộp hồ sơ khai thuế; xem xét việc gia hạn nộp thuế thu nhập cá nhân và gia hạn nộp hồ sơ khai thuế và gia hạn nộp hồ sơ khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2019 đến ngày 30-6-2020 (kéo dài thêm 3 tháng so với quy định hiện hành).
Các hộ, cá nhân kinh doanh phải tạm ngưng kinh doanh do quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền được cơ quan thuế hướng dẫn nộp thông báo và ban hành quyết định miễn (giảm) thuế tương ứng với thời gian tạm ngưng kinh doanh. Số tiền thuế khoán được miễn (giảm) thuế được tính trọn tháng bị ảnh hưởng của việc tạm ngưng kinh doanh.
TPHCM cũng tập trung thực hiện tốt chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; ổn định mặt bằng lãi suất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình phục hồi sau khi hết dịch Covid19.
Trước đó, phát biểu khai mạc kỳ họp, đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TPHCM nhấn mạnh, một trong những mục đích quan trọng của kỳ họp là nhằm thông qua những chính sách và giải pháp để thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19. Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ phát biểu khai mạc kỳ họp.Ảnh: VIỆT DŨNG Theo Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ, những nội dung này có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần tiếp thêm động lực cho đội ngũ cán bộ, y bác sĩ, nhân viên y tế, các tình nguyên viên tham gia phòng, chống dịch Covid-19. Đó là những “chiến sĩ thầm lặng” đang ngày đêm vất vả, kiên trì “đánh đối cả mạng sống” để “cứu lấy mạng sống”, trực tiếp chữa trị cho bệnh nhân, làm việc không ngơi nghỉ phục vụ cho công tác cách ly tập trung trong điều kiện nguy cơ lấy nhiễm cao. Việc bổ sung chính sách cũng nhằm tiếp thêm động lực những cán bộ, chiến sĩ, quân đội, công an, người lao động làm việc tại các cơ sở bảo trợ xã hội trực tiếp làm nhiệm vụ tiếp nhận và theo dõi các đối tượng cách ly cùng những người lao động bị mất việc do tác động của dịch bệnh nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp (bao gồm cả đội ngũ giáo viên cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập và nhóm trẻ) đang trải qua những ngày tháng vô cùng khó khăn về sinh kế. |