Theo văn bản, Văn phòng Chính phủ giao UBND TPHCM chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ GTVT, Bộ KH-ĐT, Bộ KH-CN, Bộ Công Thương, Bộ TN-MT và các đơn vị liên quan xây dựng, ban hành định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá đối với loại hình xe buýt điện để triển khai chính thức trên địa bàn thành phố theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật; bảo đảm chặt chẽ, khả thi, tuyệt đối không để xảy ra lãng phí, tiêu cực, gây thất thoát ngân sách nhà nước.
Trước đó, UBND TPHCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thành phố được thí điểm 5 tuyến xe buýt điện trên địa bàn. Dự kiến có 77 xe hoạt động, sức chứa mỗi xe từ 65 - 70 chỗ. Các xe buýt này sẽ dừng đón tại các trạm dừng, nhà chờ hiện hữu, ngoài ra chủ đầu tư sẽ bổ sung thêm 9 điểm đón mới, xây dựng 1 depot và bến bãi rộng hơn 12.200 m2 tại khu dân cư Vinhome Grand Park. Một số tuyến cụ thể như sau: tuyến VB01 từ Vinhome Grand Park (TP Thủ Đức) - Trung tâm Thương mại Emart (cự ly 27km), tuyến VB02 từ Vinhome Grand Park đến sân bay Tân Sơn Nhất (cự ly 30km), tuyến VB03 từ Vinhome Grand Park đến Bến xe buýt Sài Gòn (cự ly 29km), tuyến VB04 đến Bến xe Miền Đông (cự ly 8,5km) và tuyến VB05 đến Khu đô thị Đại học Quốc Gia (cự ly 10km).
Theo Sở GTVT, 5 tuyến này đều nằm trong danh mục quản lý mạng lưới tuyến vận tải hành khách công cộng đã được UBND TPHCM phê duyệt. Hiện vận tải hành khách công cộng chỉ mới đáp ứng được 9,2% nhu cầu giao thông đô thị thành phố. Theo mục tiêu của đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng đến năm 2025, khối lượng vận chuyển đáp ứng 15% nhu cầu. Để đạt được mục tiêu này, TP đã và đang triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để phát triển vận tải hành khách công cộng (trong đó có giải pháp mở rộng mạng lưới xe buýt công cộng) với tổng nhu cầu vốn gần 500 ngàn tỷ đồng.