TPHCM nâng cao chất lượng chăm lo người lao động

TPHCM đã khởi động Tháng công nhân năm 2022 với nhiều hoạt động chăm lo thiết thực, nhằm hỗ trợ công nhân, người lao động (NLĐ) vượt qua giai đoạn khó khăn, thách thức hiện nay. Phóng viên Báo SGGP có cuộc trao đổi cùng bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TPHCM, về những hoạt động chăm lo cụ thể này.
Lãnh đạo TPHCM khảo sát các gian hàng, chất lượng hàng hóa bán tại các phiên chợ nghĩa tình để đảm bảo hàng đến tay công nhân lao động là hàng chất lượng cao
Lãnh đạo TPHCM khảo sát các gian hàng, chất lượng hàng hóa bán tại các phiên chợ nghĩa tình để đảm bảo hàng đến tay công nhân lao động là hàng chất lượng cao

Quan tâm sức khỏe lâu dài của NLĐ

Phóng viên: Điểm nhấn trong các chương trình chăm lo cho công nhân, NLĐ trong Tháng công nhân năm nay là gì, thưa bà?

Bà TRẦN THỊ DIỆU THÚY: Tháng công nhân năm nay tại TPHCM đã được tổ chức với đa dạng các hoạt động ở tất cả các cấp công đoàn, từ tiếp xúc, đối thoại, chăm lo, thăm hỏi, động viên công nhân, NLĐ, đến đồng hành cùng doanh nghiệp khôi phục và phát triển sản xuất. Đặc biệt, các cấp công đoàn chú tâm tổ chức nhiều hoạt động chăm lo cho đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn, công nhân bị tai nạn lao động, người gặp khó khăn bởi dịch bệnh... theo phương châm chăm lo trực tiếp tại cơ sở.

TPHCM nâng cao chất lượng chăm lo người lao động ảnh 1 Bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch LĐLĐ TPHCM
Điểm nhấn là các hoạt động nâng cao chất lượng chăm lo phúc lợi đoàn viên. Ngoài tổ chức các ngày hội công nhân, phiên chợ nghĩa tình để đưa hàng thiết yếu đến tay NLĐ với giá giảm đến 45%, các cấp công đoàn cùng Tổ chức tài chính vi mô CEP cũng triển khai hỗ trợ công nhân phòng chống “tín dụng đen”, vượt qua khó khăn do dịch Covid-19. Một hoạt động mới là chương trình tăng cường chăm sóc sức khỏe, thể chất, hỗ trợ hồi phục, ổn định cuộc sống cho đoàn viên, NLĐ sau khi mắc Covid-19. 

NLĐ mong mỏi những chương trình chăm lo dài hơi hơn, nhất là về việc làm, thu nhập, chỗ ở ổn định hay chăm lo sức khỏe, tinh thần. Để đáp ứng, tổ chức công đoàn TPHCM có những kế hoạch gì?

Thời gian qua, các cấp công đoàn TPHCM đã thực hiện nhiều chương trình chăm lo đến đoàn viên, công nhân lao động. Không chỉ riêng trong Tháng công nhân, mà các hoạt động cũng được thực hiện thường xuyên, liên tục suốt trong năm.

Các chính sách được tổ chức công đoàn thực hiện hướng đến mong muốn doanh nghiệp sẽ nhanh chóng khôi phục và phát triển, để tạo ra nhiều việc làm ổn định hơn. Qua đó, các doanh nghiệp cũng sẽ quan tâm hơn đến việc cải thiện chế độ lương, thưởng, bữa ăn ca, phúc lợi dành cho NLĐ
Bà TRẦN THỊ DIỆU THÚY, Chủ tịch LĐLĐ TPHCM

Hoạt động của các cấp công đoàn thời gian qua luôn dành nhiều nguồn lực chăm lo, bảo vệ NLĐ, hướng tới những hoạt động thực chất gắn với cơ sở, đặc biệt quan tâm đến NLĐ yếu thế, lao động nữ. Ngoài ra, thời gian tới, để kéo dài các hoạt động chăm sóc sức khỏe NLĐ, LĐLĐ TPHCM phối hợp các đơn vị y tế, bảo hiểm xã hội để có chính sách cho công nhân, NLĐ sau khi mắc Covid-19 nặng.

Tổ chức công đoàn cũng đang kiến nghị Chính phủ tăng lương tối thiểu vùng vào ngày 1-7. Thực tế, mức lương của NLĐ hiện chưa đáp ứng đủ cuộc sống nên khó thể có dành dụm cho các sinh hoạt khác.

Đề nghị mở rộng đối tượng ưu tiên mua nhà ở xã hội

Để hỗ trợ NLĐ ổn định cuộc sống sau dịch Covid-19, Chính phủ đã ban hành một số chính sách, như hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho NLĐ. Tổ chức công đoàn có những giải pháp gì để tiền hỗ trợ sớm đến được tay người thụ hưởng?

Hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho công nhân trong thời điểm này không chỉ kịp thời mà vô cùng quý báu. Đến nay, tổ chức công đoàn thành phố đã triển khai đến các cấp công đoàn cơ sở để tham gia giám sát việc triển khai thực hiện, nắm bắt các trường hợp khó khăn. LĐLĐ TPHCM cũng phối hợp Sở LĐTB-XH TPHCM để sớm trao tiền đến người thuộc diện hỗ trợ. Chúng tôi cũng đã chỉ đạo công đoàn cơ sở phối hợp doanh nghiệp thông tin rộng rãi chủ trương đến NLĐ, đồng thời tham gia hỗ trợ NLĐ thực hiện các thủ tục cần thiết. Bên cạnh đó, LĐLĐ TPHCM triển khai đến các chủ nhà trọ để tiến hành hỗ trợ người thuê trọ ký giấy xác nhận. Qua triển khai, hầu hết chủ nhà trọ rất đồng tình hỗ trợ người thuê trọ hoàn thành thủ tục. Tuy nhiên, để giúp công nhân lao động, rất cần sự phối hợp của địa phương, nhất là công an khu vực, để xác nhận việc NLĐ đang thuê trọ và tạm trú.

TPHCM liên tục khởi công, xây dựng nhà lưu trú cho công nhân, nhà ở xã hội và dự kiến năm 2024, nhiều dự án sẽ hoàn thành. Tổ chức công đoàn có kế hoạch gì để hỗ trợ NLĐ tiếp cận được những dự án trên?

Chủ trương xây nhà ở giá rẻ, khu lưu trú cho công nhân là điều đông đảo NLĐ mong mỏi. Tuy nhiên, với mức giá dự kiến bán 1 căn nhà ở xã hội như hiện nay (từ 1-1,6 tỷ đồng), trong khi thu nhập vẫn còn thấp thì NLĐ khó lòng sở hữu một căn nhà mơ ước. LĐLĐ TPHCM đã đề xuất lãnh đạo  thành phố nhiều chính sách về nhà ở cho NLĐ.

Để NLĐ ổn định chỗ ở, tôi cho rằng, bên cạnh việc xây nhà ở xã hội để bán thì cũng nên tính đến phương án xây nhà cho thuê, xây các khu lưu trú cho công nhân. Trong đó, phát triển nhà cho thuê là một chính sách đặc biệt, căn cơ mà TPHCM cần tính tới, cụ thể là bỏ chi phí thực hiện và xem đó là thiết chế dành cho NLĐ. Ngoài ra, cần có chính sách cho các chủ nhà trọ vay vốn lãi suất 0% để xây sửa nhà trọ đang xuống cấp.

Hiện nay, một số doanh nghiệp tuy chưa xây nhà lưu trú cho NLĐ nhưng đã có chính sách hỗ trợ một phần tiền thuê trọ. Tổ chức công đoàn sẽ tiếp tục đối thoại và tăng cường nhân rộng sự hỗ trợ này. Chúng tôi cũng sẽ đề nghị thêm nhóm đối tượng được ưu tiên mua nhà ở xã hội, như: NLĐ có sự gắn bó lâu dài, có thành tích cống hiến trong lao động sản xuất, có sáng kiến cải tiến tốt…

Tin cùng chuyên mục