Kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, người dân thành phố mang tên Bác đang có khoảng thời gian lắng đọng, tưởng nhớ đến Người với nhiều xúc cảm, trân trọng. Tình cảm sâu sắc ấy còn được thể hiện qua các hoạt động văn hóa, biểu diễn nghệ thuật, trưng bày triển lãm… diễn ra liên tục tại TPHCM.
Vào lúc 17 giờ ngày 14-5, Nhà văn hóa (NVH) Phụ nữ TPHCM sẽ khởi động hàng loạt các hoạt động văn hóa nghệ thuật mừng sinh nhật Bác bằng lễ khai mạc triển lãm tem bưu chính chủ đề “Người là niềm tin tất thắng”, vòng chung kết trao giải hội thi văn nghệ “Những bông hoa trong vườn Bác”.
Tiếp nối, trong ngày 16-5, NVH Thanh niên TPHCM tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người” với 250 ảnh màu, đen trắng, trưng bày theo các nội dung: Ảnh tư liệu Bác Hồ; Những thành tựu đất nước và TPHCM; Thanh niên tiên tiến TPHCM làm theo lời Bác và triển lãm tem chân dung Bác Hồ.
Song song đó, liên hoan văn nghệ “Bài ca dâng Bác” được tổ chức dành cho các bạn đoàn viên 24 quận - huyện, các đoàn viên đang làm việc ở các đơn vị kinh tế trong và ngoài quốc doanh. NVH Thanh niên cũng sẽ trao giải thưởng Hội thi viết bài cảm nhận về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho 20 bài viết xuất sắc nhất.
Cũng vào sáng 16-5, tại Trung tâm Văn hóa quận 5, Chi hội Nhiếp ảnh người Hoa TPHCM và CLB Nhiếp ảnh quận 5 tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Kỷ niệm 120 năm ngày sinh Bác Hồ”, giới thiệu gần 100 bức ảnh đẹp của 12 tác giả.
Sáng 18-5, tại Bến Nhà Rồng - nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, khách tham quan sẽ có dịp tìm hiểu sâu hơn về cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác trong vai trò nhà ngoại giao tài ba, thể hiện qua cuộc trưng bày chuyên đề: “Chủ tịch Hồ Chí Minh – Nhà hoạt động quốc tế lỗi lạc, Nhà hoạt động ngoại giao xuất sắc”, gồm 200 tư liệu, hình ảnh và trên 50 hiện vật gốc.
Chuyên đề này do Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh TPHCM phối hợp cùng Bảo tàng Cách mạng Việt Nam thực hiện. Bên cạnh đó, Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh TPHCM mở cửa phòng trưng bày bộ tranh cổ động “79 mùa xuân” của họa sĩ Trần Mai, giới thiệu 79 tranh vẽ ấn tượng về cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác.
Vào ngày 19-5, bảo tàng này sẽ phục vụ khách tham quan đến dâng hương, dâng hoa, tưởng nhớ người anh hùng của dân tộc, vị lãnh tụ vĩ đại, danh nhân văn hóa thế giới. Tối cùng ngày, Bến Nhà Rồng sẽ là một trong 3 điểm cầu truyền hình trực tiếp chương trình “Hành trình theo chân Bác” do Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện, bên cạnh 2 điểm cầu khác là thủ đô Hà Nội và tỉnh Nghệ An.
Bảo tàng Chứng tích chiến tranh cũng nhộn nhịp với hoạt động triển lãm “Khát vọng hòa bình của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, miễn vé khách trong nước khi đến tham quan bảo tàng trong ngày 18-5 (Ngày Quốc tế Bảo tàng) và phát các tờ bướm thông tin đến công chúng về Luật Di sản…
Với mong muốn xây dựng một chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc biệt mừng sinh nhật lần thứ 120 của Người, Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch TPHCM đã chuẩn bị chương trình đặc biệt chủ đề “Mặt trời trong tim”. Đây là kịch bản đã đoạt giải nhất của cuộc vận động sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, hội họa, báo chí… với chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Ban Tuyên giáo Trung ương và Thành ủy TPHCM phát động.
Mặt trời trong tim được công diễn vào tối 19-5 tại Nhà hát TP, với sự tham gia biểu diễn của 40 nghệ sĩ múa đoàn vũ kịch. Trong khi đó, Trung tâm Văn hóa TPHCM đã thành lập một đoàn ca sĩ, diễn viên tham gia “Liên hoan Tiếng hát từ làng Sen”, do Cục Thông tin cơ sở tổ chức tại TP Vinh, từ ngày 15-5 đến 19-5-2010. Đoàn TPHCM tham gia liên hoan với 7 tiết mục ca múa nhạc, cổ nhạc: Chàng trai đất Việt, Từ làng Sen, Tiếng hát từ thành phố mang tên Người, Hương sen, Bài ca nhớ Bác, Rạng ngời hào khí Thăng Long - Hà Nội…
Hàng triệu trái tim của nhiều thế hệ con cháu vẫn luôn khắc ghi những dấu ấn sâu đậm về Người – Bác Hồ kính yêu, vị lãnh tụ có gương mặt hiền từ, nụ cười nhân ái bao la, phong thái giản dị gần gũi. Những dấu ấn đặc biệt và sâu sắc của Bác đã được các thế hệ cảm nhận từ sách báo, tranh, ảnh, qua các hình tượng nghệ thuật… và cố gắng gìn giữ, nâng niu.
Đến hôm nay, nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Người, các hoạt động tuyên truyền, giáo dục… đầy ắp tình cảm tốt đẹp ấy vẫn tiếp tục được thực hiện bằng tấm lòng nhớ ơn vô hạn của những con người thế hệ hôm nay, đang sống, học tập, làm việc tại thành phố mang tên Bác – thành phố Hồ Chí Minh.
Thúy Bình