
Thực hiện Chương trình cải cách hành chính (CCHC) và chống quan liêu (giai đoạn 2006 - 2010), theo Quyết định 117/2006/QĐ-UB của UBND TPHCM, công nghệ thông tin (CNTT) đã được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước và thể hiện trong hầu hết các mặt công tác CCHC.
Ứng dụng CNTT vào hoạt động CCHC của TPHCM đã góp phần tích cực vào việc công khai, minh bạch hóa các hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước; tuyên truyền những chủ trương, chính sách, các quy định của nhà nước liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức và người dân; từ đó, đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ hành chính; bước đầu xây dựng hệ thống Chính phủ điện tử nhằm làm cho các hoạt động của bộ máy chính quyền năng động, hiệu quả, chất lượng, minh bạch hơn dưới sự giám sát chặt chẽ của nhân dân, từ đó phục vụ nhân dân tốt hơn...
Ứng dụng nhiều lĩnh vực
Trong việc rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, TPHCM đã thực hiện công khai, hướng dẫn rõ ràng và thường xuyên cập nhật thông tin trên các trang web để mọi tổ chức và công dân trong và ngoài nước có thể truy cập, tìm hiểu 4.480 văn bản quy định của nhà nước và TP, từ năm 1975 đến nay, tại trang web “Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật TPHCM”.
Các sở KH-ĐT và TN-MT, Công an TP, Cục Thuế TP đã triển khai thực hiện một cửa liên thông. 14/24 UBND quận - huyện đã triển khai quy trình liên thông hoàn chỉnh giữa UBND quận - huyện và UBND phường, xã - thị trấn trên lĩnh vực đất đai, xây dựng, đăng ký kinh doanh và đăng ký mã số thuế (gồm 5 huyện: Củ Chi, Cần Giờ, Nhà Bè, Hóc Môn, Bình Chánh và 9 quận: 3, 5, 6, 7, 9, 12, Bình Thạnh, Phú Nhuận và Bình Tân).

Ứng dụng CNTT ở bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả tại UBND quận 1 TPHCM. Ảnh: Đức Trí
Các sở-ngành, quận-huyện kết nối hệ thống thông tin và hệ thống GIS trong quản lý nhà nước qua mạng truyền dẫn tốc độ cao, đã cung cấp chính xác, kịp thời các dịch vụ hành chính cho người dân và doanh nghiệp, giúp cho cơ quan quản lý nhà nước xử lý thông tin. Đã có 34 cơ quan, đơn vị TP và 23 quận - huyện được đầu tư xây dựng hạ tầng CNTT vận hành hệ thống tại đơn vị. Metronet (mạng thông tin của TP) phục vụ Chính phủ điện tử, đã hoàn tất giai đoạn 1. Tình hình giải quyết hồ sơ được cập nhật tự động và trực tuyến từ hệ thống CNTT tại 4 sở (Thông tin và Truyền thông, Xây dựng, Quy hoạch - Kiến trúc, Tài nguyên và Môi trường) và 19 quận - huyện: 1, 2, 4, 5, 6, 7, 9, 10, 11, Tân Bình, Bình Tân, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp, Thủ Đức, Nhà Bè, Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ.
Đã có 75 website của sở-ngành, quận huyện được xây dựng và tích hợp trên HCM Cityweb. Các website đều công bố toàn bộ các quy trình, thủ tục hành chính hiện đang áp dụng tại đơn vị và thực hiện liên kết các phần mềm liên thông vào hệ thống để người dân tự tra cứu về tình trạng giải quyết hồ sơ hành chính của mình theo số biên nhận hồ sơ hoặc theo mã vạch.
Bên cạnh đó, UBND các quận - huyện đã đưa vào hoạt động hệ thống Kios tra cứu thông tin điện tử để người dân có thể tra cứu thông tin trực tiếp. Nhiều dịch vụ hành chính công đã được cung cấp trực tiếp qua mạng như dịch vụ công trực tuyến ở Cục Hải quan TP, Công an TP, các sở - ngành, quận - huyện liên quan thủ tục hành chính như cấp các loại giấy phép, xử lý hồ sơ về cấp giấy phép xây dựng, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở, thủ tục hải quan, thuế, hộ tịch, giải quyết khiếu nại tố cáo và các hoạt động tư pháp; đăng ký cấp giấy tờ bản sao hộ tịch; mẫu hóa các biểu mẫu do cơ quan chức năng ban hành trên website để người dân có thể truy cập và sử dụng khi có nhu cầu…
Cổng giao dịch doanh nghiệp chính thức đi vào hoạt động từ tháng 3-2007 đã thu hút hơn 157.925 lượt người truy cập; với 1.951 doanh nghiệp tham gia cung cấp thông tin hơn 3.000 sản phẩm. 15/17 sở-ngành, 23/24 quận-huyện. 137/322 xã - phường đã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2000 vào hoạt động trong một số lĩnh vực, nâng cao kết quả và chất lượng cung cấp các dịch vụ hành chính cho công dân, doanh nghiệp và quản lý hành chính nhà nước theo chức năng.
Việc ứng dụng CNTT ở TP đã tạo ra chuyển biến, thay đổi “thói quen” thao tác hành chính “cổ điển” sang áp dụng công cụ quản lý hiện đại trong đội ngũ cán bộ, công chức; các phần mềm được ứng dụng đã thực sự hỗ trợ tích cực công tác kiểm tra, giám sát của lãnh đạo đối với công việc của từng cán bộ công chức để từ đó có những chấn chỉnh, uốn nắn kịp thời những biểu hiện tiêu cực, sai phạm.
Cần sớm đầu tư đồng bộ, thống nhất
Tuy vậy, việc ứng dụng CNTT vẫn chưa triển khai được đồng bộ nên cơ chế “một cửa liên thông” giữa UBND các quận - huyện với phường - xã, thị trấn đang được thực hiện chủ yếu vẫn theo kiểu luân chuyển “thủ công”, cán bộ thụ lý của đơn vị phải đi liên lạc, chuyển hồ sơ trực tiếp từ cơ quan này sang cơ quan khác. Các phương tiện, trang thiết bị máy móc làm việc cũng chưa được đầu tư, trang bị đồng bộ. Cơ sở hạ tầng CNTT chưa đáp ứng kịp thời so với nhu cầu ứng dụng các phần mềm ngày càng tăng; chưa kết nối mạng cho một số cơ quan hành chính trên địa bàn.
Nhân sự CNTT tại các cơ quan nhà nước và các tổ chức chưa đáp ứng cả về số lượng, trình độ lẫn năng lực. Trong khi đó, vấn đề “chảy máu chất xám” cán bộ CNTT từ các cơ quan hành chính nhà nước vẫn chưa có giải pháp ngăn chặn hữu hiệu…
Để CCHC đạt hiệu quả cao, công tác tin học hóa, ứng dụng CNTT trong quản lý nhà nước cần được đồng bộ, thống nhất từ trung ương đến địa phương, đồng bộ theo ngành và giữa các cấp chính quyền (các trang thiết bị phần cứng, máy tính, đường truyền, các phần mềm quản lý, cơ sở dữ liệu, kết nối mạng…).
Quy trình, thủ tục hành chính, hồ sơ biểu mẫu trong hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước TP cần được minh bạch, công khai, chuẩn hóa để có thể ứng dụng các phần mềm quản lý thống nhất, giám sát chặt chẽ việc giải quyết hồ sơ hành chính cho người dân tại cơ quan hành chính các cấp, phát huy các hình thức dịch vụ công trực tuyến, giải quyết các thủ tục hành chính qua đường truyền mạng.
Đồng thời, thông qua CNTT ứng dụng trong quản lý hành chính nhà nước, có thể nhanh chóng phát hiện sự chồng chéo, trùng lắp những quy định của pháp luật; từ đó đề xuất các cơ quan có thẩm quyền thống nhất quy trình, biểu mẫu, tiến đến đơn giản hóa thủ tục, giảm gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp, cho bộ máy nhà nước; tiếp nhận và kịp thời xử lý, trả lời các phản ảnh của tổ chức và người dân bằng nhiều hình thức hữu hiệu.
Bên cạnh đó, sớm thiết lập các cơ sở dữ liệu theo ngành và lĩnh vực công tác làm cơ sở để điều hòa phối hợp hoạt động giữa các ngành, các cấp. Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức nắm vững, ứng dụng CNTT trong hoạt động thực tiễn. Tiếp tục đầu tư trang thiết bị, trong đó ưu tiên cho các đơn vị, các ngành có nhu cầu bức xúc giải quyết thủ tục hành chính của người dân và tổ chức, nhất là lĩnh vực nhà đất, đăng ký kinh doanh, hải quan, thuế, hộ tịch…
Th.S LÊ HOÀI TRUNG (Phó Giám đốc Sở Nội vụ)