Trách nhiệm và nghĩa vụ

Ô nhiễm môi trường đang là vấn đề không thể coi nhẹ vì ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân, ổn định xã hội; ảnh hưởng đến sản xuất, tăng trưởng của nền kinh tế.
Trong khi thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với đặc trưng là ứng dụng công nghệ cao, máy móc hiện đại... thì Việt Nam vẫn đang phát triển dựa nhiều vào khai thác tài nguyên và chi phí nhân công giá rẻ.
Chi phí đầu tư cho đổi mới khoa học - công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam chỉ chưa đầy 0,3% doanh thu, trong khi tại Ấn Độ tỷ lệ này là 5%, Hàn Quốc 10%, Nhật Bản 50%. Nhiều chuyên gia cho rằng, ứng dụng công nghệ để bảo vệ môi trường phải được xác định là trách nhiệm của các doanh nghiệp. 
Có thể thấy rằng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới, tác động sâu rộng đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội nước ta, nhất là tạo sự thay đổi khá lớn trong sản xuất công nghiệp.
Đối với lĩnh vực môi trường, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có tác động tích cực trong ngắn hạn và hết sức tích cực trong trung hạn và dài hạn nhờ các ứng dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng, nguyên vật liệu thân thiện với môi trường và các công nghệ giám sát môi trường đang phát triển nhanh được hỗ trợ bởi internet kết nối vạn vật, giúp thu thập và xử lý thông tin liên tục theo thời gian thực, cũng như đưa ra cảnh báo sớm về các thảm họa thiên nhiên.
Điều này đặt ra yêu cầu các doanh nghiệp cần tăng cường năng lực về đổi mới công nghệ và tính cạnh tranh của công nghệ xanh ở trong nước cũng như trên trường quốc tế. 
Nhiều chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp chính là những người thực hiện, dẫn dắt và trực tiếp sản xuất đem lại hiệu quả cho họ và xã hội từ các chủ trương, đường lối của Chính phủ đối với phát triển kinh tế. Phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng xanh là vấn đề được Đảng, Nhà nước, Chính phủ đặc biệt coi trọng.
Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp cũng đặt ra vấn đề doanh nghiệp phải xây dựng đạo đức, văn hóa doanh nghiệp, thực hiện quy định của pháp luật trong bảo vệ môi trường thiên nhiên, không vì phát triển kinh tế mà xem nhẹ môi trường.
Xu thế chung hiện nay đang có nhiều khuyến khích và ưu đãi đối với doanh nghiệp đổi mới công nghệ nhằm thực hiện các chương trình, mục tiêu thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, chuyển đổi mô hình sang kinh tế xanh... Khi doanh nghiệp tham gia vào chương trình này sẽ được rất nhiều cái lợi cho bản thân doanh nghiệp, cho cộng đồng xã hội và người dân.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, cho biết để góp phần xây dựng thành phố thông minh, trong đó có các vấn đề liên quan đến môi trường, thành phố đã và đang kêu gọi, khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp. Sự tham gia của doanh nghiệp được xem là yếu tố tiên quyết và quan trọng trong việc tham gia cải tạo môi trường.
Để cùng thành phố thực hiện các nhiệm vụ cải tạo, bảo vệ môi trường, tiến tới xây dựng một thành phố thông minh, các doanh nghiệp phải đặt mục tiêu đổi mới công nghệ để nâng cao hiệu quả kinh doanh, gắn với bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên; tiếp tục nâng cao năng lực của mình, tận dụng mọi cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Đặc biệt, ứng dụng công nghệ để bảo vệ môi trường phải được xác định là trách nhiệm và nghĩa vụ  của mỗi doanh nghiệp.

Tin cùng chuyên mục