Trái phiếu doanh nghiệp vẫn nhiều kỳ vọng

Số liệu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) cho thấy, giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng giảm 60% so với cùng kỳ năm 2021 và giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ giảm 56%.

Trong đó, nhóm ngân hàng dẫn đầu về giá trị phát hành với tổng giá trị đạt 136.371 tỷ đồng, tương đương 53,8% tổng giá trị phát hành. Nhóm bất động sản đứng ở vị trí thứ 2 với 51.829 tỷ đồng, chiếm khoảng 20,4%. Đồng thời tính từ đầu năm đến cuối tháng 11, các DN đã thực hiện mua lại 163.974 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ. Trong năm 2023, sẽ có khoảng 308.622 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn.

Ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng Giám đốc FiinRating, nhận định, năm 2023, kênh tín dụng vẫn là kênh vốn chính cho DN. Song, vấn đề là năng lực vốn trung dài hạn của hệ thống ngân hàng chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường, trong khi kênh trái phiếu doanh nghiệp bị gián đoạn ở mức độ nhất định. Do đó, các tổ chức tín dụng có thể sẽ phát hành trái phiếu doanh nghiệp nhiều, vì NHNN tiếp tục điều chỉnh tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn để đảm bảo thanh khoản hệ thống. Đồng thời, SSC đang nỗ lực thúc đẩy phát triển rất mạnh kênh chào bán ra đại chúng, qua đó lượng DN phát hành đại chúng sẽ tăng hơn. Bên cạnh đó, trái phiếu xanh cũng được kỳ vọng sẽ có nhiều giao dịch hơn khi Bộ TN-MT đang phối hợp với các bộ, ngành xây dựng dự thảo trình Thủ tướng xem xét quyết định tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh.

Chứng khoán hút vốn ngoại

Trái với đà phục hồi và tăng trưởng cao của nền kinh tế, thị trường chứng khoán (TTCK) năm 2022 tụt khá sâu khi chỉ số VN-Index lao dốc mạnh từ mức 1.498 điểm xuống sát mốc 1.000 điểm. Nguyên nhân khiến TTCK điều chỉnh sâu bắt nguồn từ các “cú sốc” tâm lý của nhà đầu tư, xuất phát từ các vụ án thao túng giá cổ phiếu và sự đổ vỡ của thị trường trái phiếu. Tuy nhiên, trong bối cảnh ảm đạm của TTCK vẫn có những điểm sáng. Đó là số tài khoản chứng khoán mở mới đạt kỷ lục và động thái mua ròng mạnh mẽ của nhà đầu tư nước ngoài. Đó là nhà đầu tư mở mới gần 2,5 triệu tài khoản, chiếm tới 6,8% tổng dân số; khối ngoại đã mua ròng hơn 28.000 tỷ đồng, giúp TTCK Việt Nam ghi nhận một điểm sáng hiếm hoi về thu hút vốn ngoại trong năm nay. Theo nhiều dự báo, quỹ hoán đổi danh mục (ETF) vẫn là công cụ đầu tư hữu hiệu trong thu hút vốn ngoại vào TTCK Việt Nam trong thời gian tới.

HẢI HỒ

Tin cùng chuyên mục