Trần Đăng Khoa: “Nếu thi ứng khẩu thành thơ thì ngày trước chắc tôi vô địch đấy!”

Vừa qua, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã có buổi giao lưu, trò chuyện với bạn đọc TPHCM. Những góc khuất cuộc đời sáng tác thơ văn của một trong những "thần đồng thơ" hiếm hoi đã được hé lộ tạo cho bạn đọc những bất ngờ lý thú.

Trần Đăng Khoa: “Nếu thi ứng khẩu thành thơ thì ngày trước chắc tôi vô địch đấy!” ảnh 1 Trần Đăng Khoa chia sẻ với bạn đọc TPHCM
Có tập thơ riêng khi chỉ mới 10 tuổi, nhà thơ Trần Đăng Khoa là một cái tên vô cùng quen thuộc với bạn yêu thơ khu vực phía Bắc nhưng ở phương Nam, bạn đọc chủ yếu biết đến ông qua tác phẩm chứ ít có dịp gặp trực tiếp con người.
Trần Đăng Khoa tiết lộ, ông đến với thơ nhờ sự giúp đỡ của mẹ nhưng vấn đề là mẹ ông ban đầu vốn không biết chữ.
Không có điều kiện đi học nên mẹ ông mày mò tự học thông qua một cuốn sách, chính là cuốn Truyện Kiều mà không biết bà có được từ đâu. Thế là, bà cứ đánh vần từng chữ, hỏi mọi người nghĩa của từng từ rồi học thuộc, từ đó dần biết chữ. Cũng chính vì thế, những dòng chữ đầu tiên bà dạy cho cậu bé Trần Đăng Khoa cũng là thơ, từ thơ Kiều đến những bài thơ khác.
Tuy nhiên, việc học thông qua sách cũng để lại một hệ lụy khá lạ lùng là sau đó, mẹ của nhà thơ Trần Đăng Khoa chỉ đọc được chữ in, chữ viết tay hay viết kiểu khác bà đều không đọc được. Sau này, khi nhà thơ Trần Đăng Khoa nhập ngũ, viết thư về cho mẹ ông cũng phải viết bằng kiểu chữ in để bà đọc được.
Trần Đăng Khoa: “Nếu thi ứng khẩu thành thơ thì ngày trước chắc tôi vô địch đấy!” ảnh 2 Nhà thơ, nhà văn Trần Đăng Khoa
Chính do tiếp xúc với thơ ngay khi tập đọc đã tạo cho cậu bé Trần Đăng Khoa một thói quen là dùng thơ để nhìn nhận mọi việc. Ông vui vẻ thừa nhận, lúc đó cứ nghĩ thơ là cái gì đơn giản thôi, người ta làm được thì mình làm được nên ông bắt đầu mày mò phân tích các bài thơ đã được đọc. Ông ngắt nó ra từng chữ để xem cách người ta gieo vần, ông nhặt từng câu để bắt chước cách nhà thơ cảm nhận cuộc sống xung quanh. Từ đó, những bài thơ đầu tiên ra đời và bắt đầu xuất hiện “thần đồng thơ” Trần Đăng Khoa gây chấn động cả miền Bắc khi đó.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa dí dỏm cho biết: “Nếu mà có thi ứng khẩu thành thơ thì ngày trước chắc tôi vô địch đấy!”. Lý do theo ông rất đơn giản là lúc đó chẳng ai tin cậu nhóc 8 tuổi quê Hải Dương lại có thể làm thơ đăng báo được. Ai cũng nghi ngờ và tò mò nên tìm đến nhà ông và việc đầu tiên là kiểm tra xem có đúng là ông có thể làm thơ được hay không bằng cách ra đề bắt ông phải làm thơ.
Cậu bé Trần Đăng Khoa ngày đó chưa bao giờ làm các vị khách phải thất vọng, thậm chí rất nhiều bài thơ ứng khẩu ngày đó còn được nhắc mãi đến tận bây giờ. Như bài thơ Sao không về Vàng ơi!, ông viết theo yêu cầu của một vị khách đến nhà ông ngay sau một trận bom, con chó của nhà ông chạy mất, vị khách thấy thế lấy đó làm đề tài để thách ông sáng tác. Bài thơ ra đời, được Trần Đăng Khoa đề rất cẩn thận ở dưới là “kỷ niệm ngày mất chó 3-4-1967”.
Bài thơ Sao không về Vàng ơi! sau đó được đăng báo và được chọn in trong tập thơ Góc sân và khoảng trời xuất bản năm 1968. Đây cũng là tập thơ đưa tên tuổi Trần Đăng Khoa bay xa.
Trần Đăng Khoa: “Nếu thi ứng khẩu thành thơ thì ngày trước chắc tôi vô địch đấy!” ảnh 3 Tập thơ Góc sân và khoảng trời vừa được NXB Kim Đồng tái bản tháng 12-2017
Đặc biệt, bài thơ này cũng góp phần quan trọng trong việc hình thành ý thức sáng tác trong ông, giúp ông thoát khỏi lối viết tự nhiên chủ nghĩa.
Ban đầu ông viết là Sao không về chó ơi và câu cuối là “Tao nhớ mày lắm đó/Chó ơi là chó ơi!”. Tuy nhiên, sau đó khi đưa lên báo, người biên tập đã sửa tựa bài thơ thành Sao không về Vàng ơi!” và câu cuối thành “Tao nhớ mày lắm đó/Vàng ơi là Vàng ơi!”. Đọc bài thơ đăng báo, cậu bé Trần Đăng Khoa đã cảm nhận cách viết như thế hay và dễ cảm hơn là viết theo kiểu ban đầu, và rằng sáng tác không bắt buộc hoàn toàn giống sự thật mà quan trọng là chuyển tải được ý tưởng của mình bởi thực ra con chó của cậu là chó mực, đen từ đầu đến chân chứ không có chút màu vàng nào cả.
Trần Đăng Khoa: “Nếu thi ứng khẩu thành thơ thì ngày trước chắc tôi vô địch đấy!” ảnh 4 Bạn đọc yêu thơ văn Trần Đăng Khoa không phân biệt lứa tuổi
Cũng tại buổi giao lưu, nhà thơ Trần Đăng Khoa tiết lộ, danh hiệu “thần đồng thơ” của ông là mãi sau này, khi ông đã lớn người ta khi nhắc lại mới gọi như thế.
Theo Trần Đăng Khoa, khi đó người ta, tức là các nhà thơ, các phụ trách trang thơ, trang báo đều rất có tinh thần bảo vệ những người sáng tác trẻ, có nhà thơ lớn về nghe ông đọc thơ, sáng tác thơ xong mặt lạnh như tiền bảo làm thơ thế là tạm ổn, bình thường… Nhưng khi rời xa nhà ông, cách biệt với gia đình ông, họ lại khen nức nở, tán dương rất nhiều, điều mà mãi sau này khi lớn lên đi học văn chương ông mới được biết.
Ông kể, hồi đó cũng chẳng ai gọi ông là “thần đồng thơ”, nói về ông chủ yếu người ta đều gọi là “em bé làm thơ”, “cậu bé viết thơ”… Ngay cả vấn đề nhuận bút thơ đăng báo cũng thế, các tờ báo đều chuyển thành những món quà, đồ chơi chẳng hạn để chuyển đến ông. Giá trị thậm chí còn hơn cả tiền nhuận bút như Kim Đồng gửi ông một chiếc xe ô tô văn dây cót, một đơn vị ông quên tên gửi con búp bê đứng thì mở mắt, nằm lại nhắm mắt. Với một làng quê nghèo như làng Trực Trì, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương khi đó thì những món đồ chơi đó khiến cả làng kéo nhau đến xem. Phải mãi sau này ông mới hiểu cách làm đó đã giúp ông vượt qua một thời ấu thơ mà không bị sức ép nổi tiếng đè bẹp. Và bởi vì như thế, với mọi người, dù ông viết thế nào thì cũng là một cậu bé, không phải là một điều gì khác biệt.
Điều này được minh chứng cụ thể nhất một tạp chí duy nhất đã trả ông nhuận bút với số tiền 15 đồng. Cần biết rằng khi đó, mỗi sáng, mẹ ông dậy từ 4 giờ để vớt bèo, mang ra chợ bán cả buổi sáng được cả thảy chỉ 5 hào, một tô phở ngon chỉ tối đa 2 hào. Cầm trên tay số tiền lớn đó, gia đình ông đã không thể tin nổi, mẹ ông thì cả quyết ông đã ăn cắp đâu được số tiền đó bởi “viết vài chữ làm gì lại có từng này tiền”…
Nếu thời bé, người ta biết nhiều đến một tài năng thơ Trần Đăng Khoa thì sau này, khi đã trưởng thành, người ta biết đến ông nhiều hơn với vai trò nhà văn. Hai tác phẩm của ông gây tiếng vang lớn gồm Chân dung và đối thoại, Đảo chìm.
Trần Đăng Khoa: “Nếu thi ứng khẩu thành thơ thì ngày trước chắc tôi vô địch đấy!” ảnh 5 Ấn bản tái bản mới nhất của tác phẩm Đảo chìm ra mắt cuối năm 2017
Tác phẩm Chân dung và đối thoại khắc họa hình ảnh con người và phê bình văn chương gây chấn động dư luận từ ngày ra mắt đến tận bây giờ. Còn Đảo chìm, tác phẩm được xem là hay nhất viết về người lính giữ đảo, được nhiều bạn văn nhận định là “thần bút”. Cuốn sách này đến nay vẫn được tái bản thường xuyên (khoảng hơn 30 lần) và được xem là cuốn sách phải đọc khi muốn tìm hiểu về người lính biển.
Nhà thơ, nhà văn Trần Đăng Khoa sinh ngày 24-4-1958, quê làng Trực Trì, xã Quốc Tuấn, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương.
Năm 8 tuổi, ông lần đầu có thơ được đăng báo; năm 10 tuổi (1968) tập thơ đầu tiên của ông được xuất bản với nhan đề Từ góc sân nhà em và một năm sau là tập Góc sân và khoảng trời. Bài thơ nổi tiếng nhất của ông khi này là bài “Hạt gạo làng ta” sáng tác năm 1968, được nhà thơ Xuân Diệu hiệu đính và sau này được phổ nhạc.
Tháng 2-1975, ông nhập ngũ với vai trò quân tăng cường cho chiến dịch Giải phóng miền Nam. Tuy nhiên, sau khi đất nước thống nhất, vai trò tăng cường không còn nữa nên ông được chuyển về quân chủng hải quân. Trong thời gian phục vụ hải quân, ông có thời gian đóng quân tại quần đảo Trường Sa và ký ức với Trường Sa đã trở thành nền tảng cho tác phẩm Đảo chìm ông viết sau này.
Sau đó, ông theo học Trường Viết văn Nguyễn Du và được cử sang học tại Viện Văn học Thế giới M. Gorki thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Nga. Khi trở về nước ông làm biên tập viên Văn nghệ quân đội.
Năm 2004, khi đã mang quân hàm thượng tá Quân đội Nhân dân Việt Nam, ông chuyển sang công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam, giữ chức Phó Trưởng ban Văn học Nghệ thuật, sau đó là Trưởng ban Văn học Nghệ thuật Đài Tiếng nói Việt Nam.
Năm 2008, khi Đài tiếng nói Việt Nam thành lập Hệ phát thanh có hình VOVTV, ông được phân công làm Giám đốc đầu tiên của hệ này. Hiện nay, ông là Phó Bí thư Đảng ủy Đài Tiếng nói Việt Nam VOV và là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khóa IX.

Tin cùng chuyên mục