Trăn trở nghệ thuật truyền thống Khmer

Chật vật tồn tại
Trăn trở nghệ thuật truyền thống Khmer

Các chùa Khmer đang hướng đến xây dựng thiết chế văn hóa hoàn chỉnh, vẫn vang vọng tiếng nhạc ngũ âm, nồng nàn điệu múa Lămvông… Ngành văn hóa hỗ trợ tích cực xây dựng các điểm chùa văn hóa nhằm góp phần bảo tồn và phát hiện những tài năng mới cho nghệ thuật dân tộc.

Dàn nhạc ngũ âm Khmer.

Dàn nhạc ngũ âm Khmer.

Chật vật tồn tại

Những năm đầu sau ngày miền Nam được giải phóng, phong trào văn nghệ của bà con dân tộc Khmer có cơ hội phát triển mạnh, đáp ứng nhu cầu thưởng thức rất cao của quần chúng. Với ưu thế bởi lực lượng sáng tác, đội ngũ diễn viên tài năng, được Nhà nước bao cấp 80% kinh phí, Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh (ABM) “tung hoành” khắp vùng sâu vùng xa, vươn ra “lục tỉnh”. Đến nay, dù khó khăn nhưng đoàn vẫn tự biên soạn kịch bản, dàn dựng mới các vở ca kịch Dù kê (Công chúa Tứp-Săng-Va, “Ney-Đam-Mak-Phu-Vong-Keo…) rồi lặn lội khắp nơi với hơn trăm suất diễn/năm.

Ở Sóc Trăng có đoàn Rôbăm Bưng Chông (Tài Văn – Mỹ Xuyên) “cha truyền con nối” đã hàng trăm năm. Vợ chồng bà Trần Thị En (đời thứ 3) dù phải bán hàng chục công đất để nuôi đoàn nhưng các vở diễn vẫn tung hoành khắp Vĩnh Châu, Thạch Trị, Mỹ Xuyên rồi sang Cà Mau, Trà Vinh, Bạc Liêu… Cứ mỗi khi đồng lúa chuyển vàng, cả bầu đoàn lại lên đường. Lúc đã trên 70 tuổi bà En giao đoàn lại cho con gái.     

Chỉ vào dàn âm thanh còn khá nguyên vẹn trong nhà, ông Thạch Chân nguyên Phó Giám đốc Sở VHTT Trà Vinh, Trưởng đoàn Nghệ thuật Khmer ABM, ngậm ngùi: Chỉ còn hát được vào những dịp Tết Chol Chnăm Thmây, lễ Đol ta, Ókombok, hoặc phục vụ đám cưới, mừng nhà mới... bởi bây giờ lớp trẻ thích nhạc mới, phai lạt nhạc dân gian, truyền thống. Soạn giả đã ít, thể loại lại khó, người biết ngôn ngữ cổ để chuyển ngữ kịch bản càng hiếm. Người ta đi coi còn xem cả sắc vóc, nhưng dàn diễn viên của đoàn ABM trung bình đã ngoài 30 tuổi, diễn viên Đoàn Nghệ thuật Sóc Trăng da sạm nắng, nứt nẻ…

Phương Hồng, Biên tập viên chương trình Văn hóa Khmer Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Cần Thơ, cho biết thu nhập diễn viên Khmer khiêm tốn lắm, do đó không có tiền đầu tư cho thanh sắc như các ca sĩ khác. Ngay dựng chương trình cho đài, dù thù lao cao hơn ở đoàn, cũng chỉ tròm trèm 20 triệu đồng trở lại cho mấy chục người, không bằng sô diễn của một sao. Vai chính cho một vở tại đoàn ABM mấy năm gần đây mới lên được 50.000 đồng/đêm, hợp đồng được 700.000 – 800.000 đồng/tháng, học nghề 300.000 – 400.000 đồng/tháng.

Cả vùng chỉ còn 3 đoàn nghệ thuật Khmer chuyên nghiệp ở Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang nhưng hoạt động khá vất vả (có đoàn mỗi khi diễn, nhất là vai Chằn – nhân vật quan trọng trong Dù kê - phải chạy hợp đồng với số diễn viên về hưu). Sóc Trăng chỉ còn 3 đội tại cơ sở (của xã Tham Đôn – Phú Tân – Phú Mỹ).

Đoàn nghệ thuật Khmer Triều An – Trà Cú (Trà Vinh) mới nổi lên theo phương thức xã hội hóa, nhưng nay theo ông Thạch Chân: “Ông chủ Trầm Bê đuối sức rồi, định cắt đất cho diễn viên trồng bắp, lấy ngắn nuôi dài, hoặc giao lại cho đoàn ABM”. “Không chỉ Rôbăm mà còn mai một cả Dike (hát đối, tiền thân của Dù kê), Aday (hò đối đáp) cũng hiếm được nghe lại trong khi bà con vẫn mê lắm”, Thượng tọa Lý Hùng ở Cần Thơ cũng bùi ngùi cảnh báo.

Để giữ gìn và phát huy bản sắc

Làm gì để giữ gìn văn hóa dân tộc, bản sắc dân tộc trong bối cảnh hội nhập thế giới, nhất là văn hóa Khmer? Việc xây dựng dữ liệu văn hóa phi vật thể tại Cần Thơ gần đây cũng nhằm mục tiêu chiến lược đó. Cần Thơ có dự án bảo tồn Dù kê, mở lớp truyền dạy may y phục tăng sĩ, nghi thức Acha duki (lễ tang) truyền thống; Đoàn nghệ thuật Khmer Kiên Giang mới được tỉnh ghi vốn đầu tư 1,5 tỷ đồng…

Muốn phát huy vốn cổ trước tiên chắc phải bảo tồn được “vốn quý”. Những nghệ nhân nắm vững bài bản, nhiều kinh nghiệm đã lần lượt ra đi hoặc tuổi cao sức yếu. Do vậy cần kịp thời có chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với 13 NSƯT chuyên ngành nghệ thuật người Khmer trong vùng (tính đến đầu năm 2010, nay đã mất thêm 2) cùng các nghệ nhân dân gian “gạo cội”, để động viên họ tham gia đào tạo lớp trẻ bằng nhiều hình thức. Áp dụng chính sách đặc biệt với các đoàn nghệ thuật Khmer chuyên nghiệp. Tiến hành công tác khảo sát, kiểm kê, sưu tầm một số thể loại âm nhạc, sân khấu dân gian có tính nghệ thuật cao ở Nam bộ còn lưu giữ để xây dựng đề án, đề xuất các giải pháp bảo tồn căn cơ, hiệu quả.

Ba bốn năm trước, Sóc Trăng đã quyết tâm “gồng mình” giữ cho được đoàn Rôbăm dân gian Bưng Chông gần như cuối cùng của khu vực nhưng thiếu kinh phí đành ngậm ngùi chia tay là một bài học khó quên. Kỹ thuật múa Rôbăm vốn khó. Để múa được, phải tập liên tục ít nhất ba tháng. Đặc biệt đến nay vẫn chưa có trường đào tạo loại hình nghệ thuật này, phần lớn tự đào tạo tại lò nhà mà thôi, chỉ có ai thật sự yêu nghề, dám hy sinh cho nghề mới theo nổi. Trang phục, đạo cụ cũng khá tốn kém, vì vậy không thể vực dậy Rôbăm nếu chỉ trông chờ vào nhiệt huyết cá nhân mà rất cần sự quan tâm, đầu tư bài bản của Bộ VH-TT-DL.

Vũ Thống Nhất

Đặc sắc văn hóa Khmer Nam bộ

- Bài 1 - Bảo tồn mỹ tục

- Bài 2: Cái chữ thay đổi cuộc đời

Tin cùng chuyên mục