Trăn trở, sáng tạo của những nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam

Ngày 20-10-2006, đại diện 3 doanh nghiệp: Liên hiệp HTX Thương mại Sài Gòn (SaiGon Co-op), Tổng Công ty CP Vàng bạc - Đá quý Phú Nhuận (PNJ), Tổng Công ty Vàng bạc - Đá quý Sài Gòn (SJC) được mời sang Singapore để nhận danh hiệu “Nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam” trong số 500 nhà bán lẻ hàng đầu thuộc châu Á - Thái Bình Dương được Tạp chí Bán lẻ châu Á tổ chức bình chọn.
Trăn trở, sáng tạo của những nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam

Ngày 20-10-2006, đại diện 3 doanh nghiệp: Liên hiệp HTX Thương mại Sài Gòn (SaiGon Co-op), Tổng Công ty CP Vàng bạc - Đá quý Phú Nhuận (PNJ), Tổng Công ty Vàng bạc - Đá quý Sài Gòn (SJC) được mời sang Singapore để nhận danh hiệu “Nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam” trong số 500 nhà bán lẻ hàng đầu thuộc châu Á - Thái Bình Dương được Tạp chí Bán lẻ châu Á tổ chức bình chọn. 

Trăn trở, sáng tạo của những nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam ảnh 1

Chọn mua quần áo tại Co-op Mart Cống Quỳnh.
Ảnh: Cao Thăng

Làm gì để giữ vững danh hiệu trước ngưỡng cửa gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới – WTO? Đó là điều trăn trở của các doanh nghiệp đạt danh hiệu trên, khi mà các tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới đang nhắm vào Việt Nam, thị trường tiêu thụ được đánh giá có tiềm năng phát triển nhất khu vực. 

Sự chủ động được thể hiện rất rõ từ phía các doanh nghiệp. Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Tổng Giám đốc SaiGon Co-op- đơn vị 3 năm liền được bình chọn “Nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam” - nắm rất rõ “cuộc cạnh tranh quyết liệt và không cân sức” này cùng lợi thế của một đơn vị “mới phát triển và phải vừa làm, vừa học”.

Ông cho biết: SaiGon Co-op đã chuẩn bị từ nhiều năm nay, tập trung phân tích đâu là thế mạnh để tìm ra cách đi của đơn vị cho phù hợp.

Trước mắt, SaiGon Co-op tiếp tục mở rộng mạng lưới bán lẻ tại TPHCM và các tỉnh; đầu tư nâng cấp toàn bộ cơ sở vật chất, nâng cấp trang thiết bị, mở rộng hệ thống tổng kho; đầu tư cho hệ thống RRP (kế hoạch hóa nguồn nhân lực doanh nghiệp), công nghệ hóa điện tử trong quản lý và đầu tư cho chiến lược con người.

Cụ thể là thu hút lực lượng lao động trẻ đã được đào tạo bài bản trong nước và nước ngoài; tiếp tục tăng cường mở rộng hợp tác, liên doanh, liên kết với các đối tác lớn như: Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn – SATRA và các công ty bạn, không phân biệt thành phần kinh tế, ngành hàng kinh doanh, như: công ty CP Thương mại các tỉnh Cần Thơ, Gia Lai; Công ty Lương thực Vĩnh Long, Công ty Xuất nhập khẩu An Giang; Công ty Xây lắp BMC, Công ty Dệt May 29-3,… 

Tổng Công ty Vàng bạc - Đá quý Sài Gòn - SJC - đơn vị đứng thứ nhì trong bảng tổng sắp “Nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam” - đã thấy trước những khó khăn và chuẩn bị đối phó với các khả năng mà theo ông Nguyễn Thành Long, Tổng Giám đốc SJC, đó có thể là nguy cơ trong cạnh tranh, những nguy cơ trước mắt và lâu dài.

Để chuẩn bị cho hội nhập, SJC đã xây dựng các biện pháp mang tính chiến lược trong cạnh tranh như: tiếp tục đầu tư nâng cao giá trị thương hiệu; tăng hàm lượng giá trị gia tăng bằng cách đa dạng hóa mặt hàng nữ trang với chất lượng công nghệ cao và mẫu mã đa dạng; tăng cường khâu thiết kế sản phẩm, gắn liền với các cải tiến về tiếp thị và bán hàng nhằm mang tính chuyên nghiệp và đạt tầm cỡ quốc tế; xây dựng và phát triển hệ thống phân phối trong và ngoài nước bằng nhiều hình thức; đưa công nghệ mới vào sản xuất, tăng cường quản lý chất lượng bằng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế.

Xây dựng mạng lưới tiêu thụ sản phẩm nữ trang rộng khắp cả nước là mục tiêu trước mắt của SJC. Hiện SJC có 85 cửa hàng, điểm bán và 22 đại lý.

Đến năm 2008, SJC sẽ xây dựng thêm ít nhất một trung tâm kim hoàn lớn và nâng số lượng đại lý SJC lên 100; tiến hành đăng ký nhãn hiệu hàng hóa tại nước ngoài để chuẩn bị mở hướng tiêu thụ lâu dài tại các thị trường kim hoàn lớn trên thế giới.

Năm 2006 là năm xuất hiện sự cạnh tranh gay gắt trong ngành nữ trang Việt Nam, nhất là đối với sản phẩm dây chuyền và lĩnh vực bán lẻ.

Thuế nhập khẩu nữ trang trong khu vực ASEAN chỉ còn 5%, một thách thức đối với tất cả các doanh nghiệp vàng.

Với bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Vàng bạc - Đá quý Phú Nhuận – PNJ, thì cạnh tranh là động lực phát triển đơn vị; nâng cao năng lực cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm - dịch vụ và nguồn nhân lực là mục tiêu của Công ty PNJ trong những năm trước mắt.

Trong đó, yếu tố hàng đầu của năng lực cạnh tranh chính là nâng cao năng lực sản xuất - bao gồm cả về yếu tố kỹ thuật, mỹ thuật, giá thành và chất lượng phục vụ khách hàng. Bên cạnh nỗ lực về mặt sản xuất, PNJ rất chú trọng đến chất lượng phục vụ khách hàng.

Từ đầu năm 2006, người tiêu dùng đã có thể ngồi ở nhà, chọn mua nữ trang PNJ trên mạng một cách dễ dàng: “click chuột” vào website pnj.com.vn hay gọi điện thoại đặt hàng trực tuyến 84.08.9951705.

Mẫu nữ trang được bổ sung, thay đổi thường xuyên, có đủ mã số hàng hóa, kiểu dáng, giá cả (bằng tiền đồng Việt Nam, đô la Mỹ).

Do ký hợp đồng chuyển phát nhanh với Công ty Bưu điện, hàng được giao đến nhà trong vòng 2 –3 ngày với mức phí của đơn vị vận chuyển khá mềm. Dịch vụ này rất được khách hàng ưa thích, nhất là trong các mùa tặng quà, dịp lễ...

ĐÀM THANH

Tin cùng chuyên mục