Diễn đàn về phòng ngừa hiểm họa trẻ em đuối nước tiếp tục nhận được thêm nhiều ý kiến của bạn đọc góp ý, thảo luận. Trước khi khép lại diễn đàn này, Báo SGGP trích đăng ý kiến của các nhà giáo đang rất quan tâm vấn đề phổ cập bơi lội cho học sinh.
Bơi lội là kỹ năng sinh tồn không thể thiếu
Tôi làm giáo viên ở vùng cao từ nhiều năm qua, luôn ái ngại khi thấy ở đây địa hình dốc, thác, sông, suối nhiều nên mỗi khi mưa, dòng nước chảy xiết, rất nguy hiểm cho trẻ. Chính vì vậy, việc đưa môn bơi lội vào giảng dạy cho học sinh là rất cấp thiết, nhất là ở các vùng cao, vùng sông nước. Bơi lội không chỉ là kỹ năng sinh tồn mà còn là môn rèn luyện thể chất hỗ trợ cho việc tăng cường tầm vóc, sức khỏe của trẻ.
Tôi nhận thấy ở vùng cao, hầu hết phụ huynh cũng không biết đến kỹ năng xử trí cứu hộ đuối nước. Do vậy, cũng nên tạo điều kiện cho thầy cô giáo, đoàn viên thanh niên được tham gia các lớp học bơi, huấn luyện kỹ năng cứu hộ đuối nước. Phụ huynh cũng nên tranh thủ dịp hè cho con em học bơi. Nếu đã biết bơi, cũng nên cho con tham gia các giải bơi lội để tăng thêm hứng thú, yêu thích bơi lội. Đây là lớp học ngoại khóa rất hữu ích cho trẻ trong dịp hè.
Cô NGUYỄN THỊ HIÊN (Trường THPT Nguyễn Trường Tộ, Đắk Lắk)
Bắt buộc xây hồ bơi trong trường
Trước thực trạng liên tiếp xảy ra nhiều vụ trẻ em đuối nước, chúng ta cần nhìn lại việc dạy bơi cho học sinh ở trong trường phổ thông hiện nay có thật sự tốt chưa. Không chỉ tập cho học sinh biết bơi để bảo vệ bản thân, mà còn phải dạy cho các em kỹ năng biết sơ cấp cứu khi gặp người bị đuối nước. Những năm gần đây, việc dạy bơi cho học sinh được Bộ GD-ĐT quan tâm, có công văn chỉ đạo rất cụ thể. Tuy nhiên, thực tế đa số trường học tại các địa phương không có hồ bơi để dạy bơi. Ngay tại TPHCM cũng chỉ một số trường đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất có hồ để dạy bơi cho học sinh.
Tại huyện Củ Chi, chỉ có 3 trường có hồ bơi là: Trường TH Tân Thông, TH Hòa Phú, TH Tân Thạnh Đông, còn lại 37 trường THCS và TH không có hồ bơi. Các trường không có hồ bơi cũng quan tâm thuê hồ bơi, thuê xe đưa rước học sinh đi học bơi vào ngày thứ bảy, chủ nhật trong tuần, nhưng giờ học không nhiều nên chất lượng dạy bơi không đảm bảo. Nhiều học sinh học 5 - 10 buổi lấy giấy chứng nhận biết bơi, nhưng thật ra chỉ mới bơi chập chững, chứ chưa có được kỹ năng bơi tốt.
Từ thực tế đó, để thực hiện hiệu quả việc phổ cập bơi cho học sinh trong trường phổ thông, thì khi quy hoạch, thiết kế xây trường, cần chú ý đến hạng mục xây hồ bơi trong trường là tiêu chí bắt buộc.
Thầy TRẦN VĂN TÁM (Trường Tiểu học Trung Lập Hạ, huyện Củ Chi, TPHCM)
Cảnh báo nguy hiểm tại các nơi không an toàn
Đã có quá nhiều vụ trẻ em đuối nước xảy ra tại khắp các tỉnh - thành nước ta. Có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân phổ biến là do các em tự ý trốn thầy cô, cha mẹ để đi bơi ở những nơi không an toàn. Nhưng trong chuyện này có phần lỗi về trách nhiệm quản lý giáo dục của phụ huynh, thầy cô giáo, bởi nếu như gia đình và nhà trường quan tâm dạy bơi cho trẻ và thường xuyên nhắc nhở, cảnh báo, nói cho trẻ hiểu về sự nguy hiểm bơi lội tại các nơi không an toàn, thì chắc chắn trẻ sẽ không dám tới nơi đó bơi lội.
Cũng không thể bỏ qua sự thiếu trách nhiệm của chính quyền địa phương khi không quan tâm các hình thức cảnh báo, cắm các biển cảnh báo. Nói chung, ở những chỗ nào có mặt nước tự nhiên sâu, tiềm ẩn hiểm họa đuối nước, thì chính quyền địa phương phải lắp đặt biển cảnh báo nguy hiểm và cấm tắm, cấm bơi lội. Các chủ ao hồ, đầm phá... cũng phải luôn chú trọng yếu tố này, bởi nếu không có biển cảnh báo cũng như cấm cản việc bơi lội, thì các em nhỏ sẽ lén lút tới đó và hậu quả sẽ khó lường nếu trẻ không biết bơi, hoặc bơi không thạo. Đừng để khi có nhiều trẻ bị chết đuối rồi mới giật mình xem lại, trách nhau vì không thấy có tấm biển cảnh báo nguy hiểm nào!