Ngày 27-10, hai ngày trước lễ thượng thọ 90 tuổi của nhà văn Trang Thế Hy, NXB Trẻ đã tổ chức một chuyến thăm và giới thiệu đến nhà văn 4 cuốn sách của ông vừa được NXB tái bản dịp này. Đó là những tuyển tập truyện ngắn và thơ đã góp phần làm nên sắc thái của một trong những nhà văn tiêu biểu của vùng đất Nam bộ.
Nhà văn Trang Thế Hy tên thật là Võ Trọng Cảnh, sinh ngày 29-10-1924 tại Bến Tre. So với nhiều nhà văn khác, Trang Thế Hy viết ít, đã thế trong thời gian kháng chiến do hoàn cảnh đặc thù ông phải dùng nhiều bút danh khác nhau. Bài thơ Đắng và Ngọt của ông chính là một ví dụ điển hình, bài thơ này có lúc được đổi tên thành Cuộc đời và được ông ký bút danh là Minh Phẩm. Sau này, bài thơ được phổ nhạc với nhan đề Quán bên đường khá nổi tiếng. Kết quả là một thời gian dài không ai nghĩ Trang Thế Hy là tác giả bài thơ này mãi cho đến sau này mới được khẳng định. Đây cũng là lý do mà cho đến nay có rất nhiều truyện ngắn đăng báo, bài thơ của ông vẫn chưa được tìm thấy. Thậm chí ngay trong buổi gặp mặt mừng lễ thượng thọ, khi trao đổi với nhà thơ Phạm Sỹ Sáu, người đang góp phần sưu tầm lại các tác phẩm của Trang Thế Hy, ông dù đã ở tuổi 90 nhưng vẫn còn minh mẫn đã tiết lộ về một truyện ngắn với nhan đề 13 con chim và mùa xuân từng được đăng báo với bút danh Vũ Ái Văn.
Nhà văn Trang Thế Hy trao đổi cùng ông Dương Thành Truyền, Chủ tịch Hội đồng Thành viên NXB Trẻ.
Viết ít nhưng những trang viết của Trang Thế Hy lại đầy ắp chất người. Có người nhận xét mới đọc văn của ông có cảm giác rất dễ viết nhưng thực tế mỗi câu, mỗi chữ lại là sự chắt chiu từ tim óc của nhà văn. Mỗi tác phẩm của ông, dù viết trong hoàn cảnh nào đều gửi gắm những suy tư, suy nghĩ về cách sống để làm người, một con người thật sự và đúng nghĩa. 90 năm cuộc đời đã bào mòn thể xác của ông nhưng khi nhắc đến tác phẩm, đến văn chương, đến bạn văn ông lại như sống lại, mắt long lanh, sinh động và nhiệt tình. Cầm trên tay tập truyện ngắn Nợ nước mắt vừa được in lại đẹp hơn, rõ hơn năm xưa ông lại cười khi nghe mọi người trầm trồ về những chi tiết đắt giá mà ông đã đưa vào tác phẩm, hình ảnh nhân vật Ba Hường khóc ôm người chiến sĩ quân giải phóng sau trận đánh không còn nguyên vẹn nên nhầm tưởng là chồng mình. Sau đó khi tìm lại đúng chồng chị, mọi người hỏi chị có cảm thấy gì khác không khi khóc người tưởng là chồng mình ấy, chị đã nói: “Nước mắt khóc những người chết vì Tổ quốc đâu phải là nước mắt dư mà mình mắc cỡ?”.
Nhắc đến Trang Thế Hy người ta không chỉ nhắc đến những tác phẩm mà còn nhắc cả đến phẩm giá, lý tưởng của một con người. Cống hiến hết tuổi xanh cho cách mạng, sống và chiến đấu cho lý tưởng của mình. Đến khi hòa bình, ông lại tiếp tục những công việc được giao phó với đầy đủ lòng nhiệt huyết. Và rồi khi hoàn tất những trách nhiệm của lý tưởng, ông nhẹ nhàng rời đi, rời theo cái cách mà ông hay nói: “Đi chỗ khác chơi”, ông về với mảnh vườn, với trách nhiệm của một người cha để hoàn tất những gách vác của cuộc đời. “Đi chỗ khác chơi” ý ông là rời xa với những chốn trường văn trận bút, rời xa những bon chen danh lợi chốn quan trường văn nghệ.
Cái chỗ khác của ông từ năm 1992 ấy là mảnh vườn nhỏ xanh bóng dừa nơi mà chỉ vài năm trước để vào đến nhà ông là cả một vấn đề khi con đường nhỏ trước nhà đầy bùn sình. Nhưng ông có thể rời xa những danh lợi, cám dỗ chứ không thể rời xa văn chương, dù không viết, ít viết ấy thế nhưng ông vẫn quan tâm đến những cây bút mới, những tác giả trẻ. Còn nhớ khi đoàn NXB Kim Đồng ghé thăm ông năm 2013, ông hớn hở khoe một truyện ngắn của một cây bút trẻ ông mới đọc được trên báo và hy vọng cây bút đó sẽ sớm trưởng thành. Hay cũng có lúc, ông lo lắng, buồn rầu khi một cây bút ông gửi gắm hy vọng lại không còn viết nữa.
Có người hỏi ông, 90 tuổi đời, khoảng hơn 70 tuổi viết, khi nhìn lại cả sự nghiệp sáng tác, ông nghĩ sao về khái niệm thành công của một tác giả? Nhà văn Trang Thế Hy trả lời rất ngắn gọn: “Chỉ cần biết rằng tác phẩm của mình có một người đọc là đã thấy công sức mình bỏ ra được đền đáp, thế là đã đủ”. Trước lúc chia tay, có bạn trẻ hỏi ông tuyên ngôn sáng tác của ông là gì? Trang Thế Hy lặng lẽ cười rồi bảo rằng mỗi sáng tác ông có một tuyên ngôn khác nhau về nghệ thuật, về thân phận người nghệ sĩ, về cuộc sống, về sự hy sinh… nhưng nếu nói tuyên ngôn về cuộc sống mà chính ông luôn đeo đuổi thì lại rất ngắn gọn: “Yêu thì yêu, ghét thì ghét, không lập lờ”.
Nhìn lại sáng tác, nhìn lại cuộc sống của nhà văn Trang Thế Hy có thể nói cho đến bây giờ ông đã sống và sáng tác đúng như gì ông đã nói: “Yêu thì yêu, ghét thì ghét, không lập lờ”.
TƯỜNG VY