
Ngày 15-11, ngày thứ 3 Hội nghị bộ trưởng 149 nền kinh tế thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) tại Hongkong, vấn đề trợ giá nông nghiệp vẫn là một trong những trở ngại lớn nhất, đặc biệt sau khi nhóm các nước châu Phi và nhóm các nước Mỹ La tinh cảnh báo về nguy cơ hội nghị sẽ khó thành công nếu các nước phát triển không chịu nhượng bộ.
Theo đó, các nước sản xuất bông ở châu Phi sẽ không tán thành bất cứ một thỏa thuận nào tại hội nghị, trừ phi các nước giàu đồng ý cắt giảm trợ nông phẩm. Các nước sản xuất bông ở châu Phi từ lâu đã bất bình với việc các nước phát triển, đặc biệt là Mỹ, trợ giá quá nhiều cho ngành bông.

Người dân Hongkong vẫn tiếp tục biểu tình bân ngoài Hội nghị WTO, phản đối toàn cầu hóa.
Tại hội nghị, đại diện Thương mại Mỹ cũng thừa nhận Mỹ là nước có mức trợ giá cho ngành bông lớn (khoảng 4 tỷ USD/năm cho khoảng 25.000 nông dân trồng bông) và đồng ý cần phải bãi bỏ các biện pháp trợ giá bông. Tuy nhiên, ông này vẫn không quên đòi bãi bỏ trợ giá bông phải là một phần trong sáng kiến toàn diện của WTO về hủy bỏ các hình thức trợ cấp nông nghiệp và giảm thuế nhập khẩu trong toàn khối WTO, một đòi hỏi được đánh giá là nhằm vào vấn đề trợ cấp nông nghiệp và thuế của Liên minh châu Âu (EU).
Các thành viên WTO ở khu vực Mỹ La-tinh thì lên án việc EU tiếp tục áp mức thuế cao đối với chuối nhập khẩu từ Mỹ La-tinh (áp dụng từ tháng 1/2006) là vi phạm các quy định thương mại, đồng thời cảnh báo vòng đàm phán Doha về tự do hóa thương mại toàn cầu sẽ khó tiển triển nếu như châu Âu không thay đổi lập trường.
Tuy nhiên, lập trường của nhóm các nước Mỹ La-tinh lại không nhận được sự ủng hộ của nhóm châu Phi, Caribbean và Thái Bình Dương (ACP), nhóm đang được dành ưu đãi về việc xuất khẩu mặt hàng này sang thị trường EU.
Trong khi đó, hai đối tác thương mại lớn nhất thế giới là Mỹ và EU tiếp tục đối đầu trong vấn đề mở cửa thị trường nông nghiệp, khi EU khẳng định không nhượng bộ hơn nữa trong vấn đề trợ giá nông nghiệp và thuế. Ngoài ra, Mỹ và EU còn bất đồng về vấn đề cải cách viện trợ lương thực. EU chỉ trích các chính sách viện trợ lương thực của Mỹ nhằm phục vụ cho lợi ích thương mại của Mỹ, trong khi Mỹ lại chỉ trích EU quá chậm chạp trong vấn đề này.
Tuy nhiên, EU và Mỹ gần như cùng quan điểm trong việc chỉ trích Trung Quốc chưa tuân thủ đầy đủ các cam kết với WTO. Mỹ cho rằng Trung Quốc còn thiếu minh bạch trong một số khu vực kinh tế và trong việc giải quyết vấn đề vi phạm bản quyền, còn EU đòi Trung Quốc mở cửa thị trường hơn nữa cho ô tô châu Âu.
Về phần mình, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Bạc Hy Lai kêu gọi cần phải dành cho các thành viên chậm phát triển nhất sự đãi ngộ đặc biệt trong tiến trình tự do hóa thương mại toàn cầu và đề nghị các thành viên thuộc nhóm phát triển nỗ lực hơn nữa để làm cho vòng đàm phán Đoha về mậu dịch sớm đạt được một hiệp định công bằng.
V.S (Theo TTXVN)