Anh José Juarez, một người giao bánh pizza ở quận Manhattan, New York (Mỹ), hàng ngày đều bắt đầu công việc của mình từ lúc sáng sớm và kết thúc vào lúc tối muộn. Để có thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống gia đình với 3 thành viên, anh Juarez phải làm thêm một công việc thứ 2 sau khi kết thúc việc giao bánh pizza.
Với mức lương 10,5 USD/giờ tại tiệm pizza và mức thu nhập thấp hơn ở công việc làm thêm, anh Juarez luôn cảm thấy cuộc sống ở New York rất chật vật. Cũng vì lẽ đó, sau khi thông tin chính quyền New York ký ban hành các đạo luật nâng mức lương tối thiểu tính theo giờ lên 15 USD vào năm 2019, cao hơn gấp đôi so với mức sàn 7,25 USD/giờ của cả nước và là mức cao nhất tại Mỹ, những người lao động như anh Juarez cảm thấy rất hứng khởi. Nếu người lao động được trả 15 USD/giờ thì chính quyền New York sẽ tiết kiệm được từ 200 - 500 triệu USD/năm tiền chi tem phiếu hỗ trợ lương thực và bảo hiểm y tế cho người nghèo.
Tương tự New York, luật lương tối thiểu mới tại California có lộ trình thực hiện đến năm 2022. Theo đó, vào năm 2017, mức lương 10 USD/giờ hiện nay đang áp dụng tại bang này sẽ tăng thêm 50 cent và lên 11 USD sau 1 năm. Trong 4 năm tiếp theo, lương cơ bản tại California sẽ tăng 1 USD mỗi năm.
Câu chuyện bình đẳng về thu nhập cho người lao động cũng là một trong những chủ đề nóng trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ. Phía đảng Cộng hòa luôn phản đối thay đổi mức lương tối thiểu 7,25 USD/giờ, với lý do tăng lương sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng việc làm. Tuy nhiên, ứng viên Donald Trump lại đi ngược tiêu chí này và tuyên bố muốn cải thiện mức lương tối thiểu. Bà Hillary Clinton, ứng viên đảng Dân chủ cũng bày tỏ ủng hộ chủ trương của các nghiệp đoàn là nâng mức lương cho người lao động. Giới quan sát cho rằng, hành động đồng lòng hiếm hoi giữa 2 ứng viên không nằm ngoài mục đích thu hút thêm các lá phiếu cử tri.
Theo Christian Science Monitor, hiện 29 bang ở Mỹ có một mức lương tối thiểu cao hơn so với tỷ lệ của liên bang. Trong số đó, chỉ có 2 bang California và New York thực hiện lộ trình tăng lương lên khoảng 15 USD/giờ cho người lao động. Đây được xem là nỗ lực của địa phương để thúc đẩy thu nhập của người lao động có mức lương thấp. Những người ủng hộ thì coi đây là giải pháp hữu hiệu để trợ giúp người lao động trang trải chi phí cuộc sống cao hơn ở các khu vực đô thị. Một nghiên cứu gần đây cho thấy, nếu tăng lương tối thiểu sẽ tác động tích cực mạnh mẽ lên nền kinh tế Mỹ, với mức tăng lương 10% thì tỷ lệ đói nghèo sẽ giảm được 2%.
Theo giới phân tích, trong thời gian tới, câu chuyện cải cách nâng lương vẫn sẽ trở thành một đề tài gây tranh cãi tại Mỹ. Lý do là những cải cách này không được giới doanh nghiệp vừa và nhỏ ủng hộ. Phe chỉ trích cho rằng việc tăng lương làm mất cân bằng thị trường lao động và khiến doanh nghiệp muốn sử dụng ít lao động hơn. Khi các doanh nghiệp cắt giảm lao động, sự đói nghèo càng trở nên trầm trọng hơn, chứ không giảm bớt. Bên cạnh đó sẽ có những chủ sử dụng lao động vốn đang tuân thủ pháp luật, giờ đây sẽ phá vỡ chúng và tìm cách lách luật bằng cách cắt giảm phúc lợi cho người lao động do không chịu được sức ép tăng lương.
THANH HẰNG