Tránh máy móc khi thực hiện chủ trương trẻ hóa và chuẩn hóa cán bộ

Tôi có một người bà con là bác sĩ phụ sản đang làm việc tại một bệnh viện phụ sản lớn có uy tín ở TPHCM và trong khu vực. Tôi đã hỏi người bà con đó, tại sao một số bác sĩ giỏi của bệnh viện lại xin nghỉ việc? Phải chăng do nguồn thu nhập của bác sĩ còn thấp hay vì lý do nào khác?

Người bà con của tôi không trả lời trực tiếp câu hỏi mà lại nói sang một chủ đề khác xa hơn, đó là chủ trương trẻ hóa và chuẩn hóa đội ngũ cán bộ công chức của bệnh viện. Theo đó, việc áp dụng rập khuôn máy móc chủ trương trẻ hóa và chuẩn hóa cán bộ đã làm cho một số cán bộ “già” đã gắn bó lâu năm với bệnh viện cảm thấy bị bỏ rơi.

Nghề y rất khác với các nghề khác, đó là phải có thời gian trực tiếp với người bệnh và kinh nghiệm lâu năm, nhưng khi thực hiện chuẩn hóa cán bộ người ta vẫn yêu cầu phải có các văn bằng thạc sĩ, tiến sĩ và bằng B ngoại ngữ trở lên mới được đề bạt làm trưởng phó phòng khoa. Liệu tay nghề của những người trẻ có các bằng cấp đó, có thật sự cao hơn những người có bề dày lâu năm, kinh nghiệm “đầy mình” ở bệnh viện?

Do áp dụng chủ trương trẻ hóa và chuẩn hóa cán bộ theo kiểu rập khuôn máy móc nên một số cán bộ công tác lâu năm, lớn tuổi cảm thấy bị “bỏ rơi”, chán nản và không muốn làm việc. Cũng do việc trẻ hóa, chuẩn hóa cán bộ không đảm bảo tính công bằng, khách quan và kế thừa nên có một số người cũ không cùng “ê kíp” đã bị điều chuyển sang làm nhiệm vụ khác và phải học lại từ đầu. Đó cũng là sự lãng phí chất xám rất lớn trong các cơ quan nhà nước.

T.H. (TPHCM)

Tin cùng chuyên mục