Tránh quá tải cho kỳ thi “2 trong 1”

Nhiều ý kiến đồng thuận, phản biện, thậm chí trái ngược nhau gửi đến ngay sau khi Báo SGGP ngày 9-4-2008 đăng các ý kiến góp ý cho đề án đổi mới thi tốt nghiệp và tuyển sinh của Bộ GD-ĐT. Báo SGGP xin giới thiệu tiếp cùng bạn đọc.

  • Thạc sĩ Trần Đình Lý, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ SV và Quan hệ doanh nghiệp, ĐH Nông Lâm TPHCM: Điều nghiên thật tốt, thật kỹ khâu thi

Tôi rất hoan nghênh Bộ GD-ĐT đã tổ chức lấy ý kiến rộng rãi cho đề án. Dưới góc độ phản biện, tôi thấy cần phải nghiên cứu kỹ để tránh một số điều sau đây:

Thứ nhất, điều nghiên thật tốt, thật kỹ khâu thi. Không được chủ quan khâu này. Số lượng TS dự thi chắc chắn sẽ tăng lên (từ 1,2 triệu TS lên khoảng 1,6 triệu). Khi đã “2 trong 1” rồi thì tất cả những khâu chuẩn bị cho việc thống nhất này sẽ phải chuẩn bị thật kỹ, tránh quá tải. Vì đã là “2 trong 1” thì cần huy động lực lượng của cán bộ các trường ĐH, CĐ không chỉ với mục đích về số lượng mà còn cả về chất lượng, xem như đây là một sự chung tay, chia sẻ

Thứ hai, làm sao đó để việc phân luồng HS vào học đủ tiêu chuẩn (theo năng lực, sở trường, điều kiện…) chứ không phải là đủ… điểm. Điểm chỉ nói lên một phần và mang tính ngắn hạn. Đã có rất nhiều trường hợp học ĐH nhưng thực ra là không học. Bởi vì các em đạt được mục tiêu đậu ĐH chứ không phải mục tiêu đậu vào ngành mình thích.

  • Dương Thị Trúc Bạch, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai: Ủng hộ thi tuyển vào ĐH

Thay vì dùng kết quả thi tốt nghiệp để xét tuyển vào ĐH thì bộ nên làm ngược lại, nên bỏ thi tốt nghiệp THPT như đã bỏ thi tốt nghiệp THCS trước đó. HS hoàn thành 3 năm học phổ thông, tức có một chuẩn kiến thức phổ thông có thể nhận bằng tốt nghiệp hay giấy chứng nhận đã hoàn thành xong chương trình. Từ đây, HS sẽ được phân luồng, em nào không có khả năng thì đi học nghề, em nào có năng lực sẽ thi tiếp lên ĐH, CĐ.

Đọc nội dung chính đề án đổi mới thi tốt nghiệp và tuyển sinh của Bộ GD – ĐT, chúng tôi rất băn khoăn. Tuyển sinh ĐH toàn quốc, kết quả toàn quốc trong khi thi phổ thông ở địa phương, lấy kết quả ở địa phương xét tuyển cho toàn quốc thì có chắc chắn không xảy ra tiêu cực hay đảm bảo công bằng? Mặt khác, chương trình phân ban bậc THPT phân theo khối thi ĐH nên xét tuyển phổ thông và thi tuyển ở ĐH hợp lý hơn.

Do tính chất quan trọng của kỳ thi dùng kết quả thi tuyển THPT để xét tuyển vào ĐH nên chắc chắn kỳ thi sẽ vô cùng căng thẳng. Như vậy, mục tiêu giảm tải ở phổ thông có đạt được khi HS phải thi 8 môn trong khi tuyển sinh ĐH chỉ thi 3 môn? Dù trên danh nghĩa xét tuyển vào ĐH nhưng các trường ĐH có yêu cầu riêng sẽ tuyển sinh phù hợp với nhu cầu đào tạo của trường. Đổi mới tuyển sinh, thực hiện kỳ thi “2 trong 1” với mục tiêu giảm căng thẳng, lo lắng, tốn kém cho thí sinh, xã hội sẽ không đạt được trọn vẹn.

L. An - H. Liên

Tin cùng chuyên mục